Những lời bình nghị sinh động

        Trong ngôn ngữ Việt có hẳn một kho thành ngữ, trong đó phải kể đến những câu, những lời bình nghị sinh động về phẩm cách con người, về đạo lý ở đời, về nhân tình thế thái. Chỉ kể những câu có bốn từ, bốn tiếng đăng đối giàu biểu cảm người ta đã có thể liệt kê ra rất nhiều. Xin viện dẫn: "Xấu người đẹp nết", "Giấu đầu hở đuôi", "Cười thuê khóc mướn", "Nước chảy đá mòn", "Giận cá chém thớt", "Bóc ngắn cắn dài", "Bòn tro đãi sạn", "Chọn đá thử vàng", "Dẻ cùi tốt mã", "Văn mình vợ người", "Ma chê cưới trách", "Quýt làm cam chịu", "Con dại cái mang", "Chị ngã em nâng", "Công cha nghĩa mẹ", "Môi hở răng lạnh"...

        Ðặc điểm của loại thành ngữ này là bốn từ đều là từ đơn, đứng độc lập, có nghĩa riêng; chia thành hai cặp đối xứng nhau. Ví như câu "Xấu người đẹp nết" thì xấu, người, đẹp, nết; bốn từ đơn mang hàm nghĩa riêng, độc lập, không cần liên kết hoặc phụ thuộc vào từ khác; chia thành hai cặp đối xứng là xấu người đối với đẹp nết; đối cả ý lẫn lời; xấu đối với đẹp, người đối với nết. Toàn bộ câu thành ngữ đại ý nói: người ta không được trời phú cho cái nhan sắc bề ngoài, thậm chí bề ngoài không vừa mắt ai song cái người "xấu người" ấy hoá ra lại mang vẻ đẹp bên trong, giàu có về đạo đức, về đường ăn nết ở mà người Việt gộp chung vào khái niệm "nết". Gần nghĩa với câu này còn có câu "mạnh miệng" hơn là "cái nết đánh chết cái đẹp" - đương nhiên "đánh chết" chỉ là cách nói cường điệu gây ấn tượng, nhấn mạnh phần hơn hẳn, phần ưu việt của nết so với vẻ đẹp hình thức. Phân tích thêm câu "văn mình vợ người" nói về một cái "thói đời" chung khá phổ biến ở giới mày râu là tự cho văn mình bao giờ cũng hay hơn văn người, ngược lại vợ người thường bao giờ cũng đẹp hơn vợ mình trong con mắt soi ngắm của họ. Bốn từ đơn "văn, mình, vợ, người" đều có nghĩa riêng; chia thành hai cặp từ đăng đối: văn mình và vợ người. "Văn" đối với "vợ", "mình" đối với "người". Câu thành ngữ có ý khéo phê tính chủ quan, cảm tính của cánh đàn ông, tự phụ cho văn mình hơn hẳn văn người khác; song vì đã quá quen nên họ chỉ thấy vợ mình là người bình thường, thậm chí tầm thường; chỉ thấy vợ người là đáng để chiêm ngưỡng. Những câu thành ngữ bốn từ bốn tiếng chia thành hai vế đối cả lời lẫn ý trên đây thường được người Việt dùng để phẩm bình trong những trường hợp thấy sự đời tương ứng để biểu tỏ thái độ khen chê. Ví như nói về một cô gái nào đó trời không cho sắc đẹp, thậm chí xấu người nhưng đức hạnh thì người ta có thể nói "cô ấy xấu người đẹp nết" nên ai cũng quý.

        Cũng có khi người Việt chỉ cần dùng nguyên văn thành ngữ, chẳng cần diễn giải thêm người nghe vẫn hiểu hết ý tứ. Ví như nói về một ai đó làm ít song lại hoang tiêu, người ta nói ngay: đồ "bóc ngắn cắn dài". Ðây là cách nói tượng hình, lấy hình ảnh người ăn chuối, bóc thì ngắn - cắn thì dài, có khi "ăn" cả vào vỏ. Cách nói ấy dường như chỉ có người Việt mới cảm được, rất khó chuyển ngữ những câu thành ngữ hình tượng hoá đại loại như thế vì ở đây có sự liên tưởng rất xa./.

Hoài Việt

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn