Buổi sáng em xa chi
Cho chiều, mùa thu đến
Ðể lòng anh hoá bến
Nghe thuyền em ra đi!
Chế Lan Viên
Lời bình:
"Lòng anh làm bến thu"
hay là sự đợi chờ tuyệt đẹp của tình yêu
Bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt với lời chữ chân chất, giản dị, cùng lối ví von ẩn dụ đậm tính dân gian, giàu sức gợi, thật sự đem đến cho người đọc một ấn tượng đẹp, khó quên về tình yêu, về quan hệ tâm lý tình cảm trong tình yêu mà nhà thơ thể hiện.
Buổi sáng em xa chi, câu thơ mở đầu nêu tiền đề, lý do để Cho chiều, mùa thu đến là hệ quả. Từ lý do kia tạo nên hệ quả này. Hệ quả này chính là sự cảm nhận từ mối quan hệ tình cảm con người mà nên, có tính chủ quan chứ không phải là do khách quan đưa tới. Buổi sáng em xa chi, câu thơ hỏi mà như không hỏi, đúng hơn chỉ là sự cảm thán thôi - em xa chi. Tác giả (anh) trong bài thơ vừa là nhân vật trữ tình, vừa là đối tượng tự cảm. Cho nên đây chỉ là cái cớ để anh tự bộc lộ mình. Bởi vậy, mới có Cho chiều, mùa thu đến.
"Mùa thu" ở trong câu thơ này, người đọc đừng vội tưởng đó là mùa thu thiên nhiên, mà thực ra là mùa thu lòng người. Thay vào cái sự "em xa chi" là cả "mùa thu" ập đến, theo đó là một cảm giác buồn buồn, cô đơn khó tả. Sáng, em xa-vắng thì chiều "mùa thu" đến ngay. Cái không gian, thời gian của "chiều" không có em chẳng khác gì cảnh thu, mùa thu. Tưởng như vô lý nhưng lại thật hợp lý với tâm trạng, với lòng anh lúc đó. Anh chỉ còn biết... vịn vào mùa thu để bày tỏ mà thôi. Hình như chỉ "mùa thu" mới đồng cảm với anh. Câu thơ thật sự gợi lên nhiều thú vị cho người đọc khi đã cảm nhận được hết ý nghĩa của nó. "Anh" trong bài thơ là người đa cảm và cũng rất nhạy cảm. Có em bên cạnh thì đó là niềm sung sướng hạnh phúc nào bằng. "Anh" đâu muốn có sự... xa em, vắng em để mà... cô đơn. Cái hay là "mùa thu đến", nhưng thực ra đó là mùa thu của lòng anh chứ không phải là mùa thu của đất trời.
Thế nên "lòng anh hoá bến", bến đây là bến thu - bến tình yêu đợi em. Thật là một sáng tạo bất ngờ của nhà thơ Chế Lan Viên. Lòng anh hoá bến thì ắt hẳn em phải là thuyền không thể nào khác được. Câu kết Nghe thuyền em ra đi thật gợi. Cái hay là lòng anh dù đã "hoá bến" nhưng bến ở đây không vô tri, vô giác. Có như vậy mới nghe được thuyền em ra đi như thế nào? Thật là tinh diệu, dẫu lối ví von bến thuyền này thực ra không lạ gì, thậm chí rất thân thuộc trong dân gian, nhưng Chế Lan Viên đã đưa hai hình ảnh rất thân thuộc đó vào bài thơ này để giải mã cho sự xa cách và chờ đợi.
Trong thơ, hai hình ảnh ẩn dụ bến - thuyền cũng được các nhà thơ hay dùng để nói đến phạm trù tình yêu. Trong ca dao, thường gặp, kiểu như Thuyền về có nhớ bến chăng? Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền... Còn trong bài thơ trên, thuyền (em) ra đi, anh (bến) luôn hy vọng thuyền (em) trở lại. Thuyền ra đi thanh thản, yên tâm vì có bến đợi là anh. Thật là một sự đợi chờ tuyệt đẹp. Lòng anh làm bến thu là bài thơ độc đáo về tình yêu./.
Minh Quang
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn