Cô Tấm
đã vào cung Vua
của Nguyễn Hữu Quý
Cô Tấm đã vào cung Vua
Lều gianh mẹ ở nắng mưa một mìnhThân còn nặng nghiệp ăn xin
Miếng cơm nguội, mấy đồng trinh bẽ bàng
Ðời ơi, chiếc bị đa mang
Thị còn đọng lại chút hương hay là?
Miếng trầu cánh phượng giấc mơ
Cũng bay theo những tiếng gà tan canh!
Ðường mòn còn bóng thị xanh
Chẳng còn cô Tấm lều gianh đỡ đần...
Nghĩ chi mẹ ngó trăng vàng
(Trăng trong đời mẹ chưa rằm một đêm)
Dạ nghèo mang nghĩa tái sinh
Ðời nợ mẹ, mẹ ăn xin giữa đời!
Bị hành khất vẫn chưa rời
Ai về với mẹ lẻ loi xế chiều
Góc làng một mái rạ xiêu
Lầu son có thấu phận nghèo mẹ ta?
Gậy tre theo bước tuổi già
Khi vào lối chợ, khi qua sân chùa
Cô Tấm đã vào cung Vua
Lều gianh mẹ ở nắng mưa một mình...
Nguyễn Hữu Quý
Trước hết, cân nhắc lại thời điểm ra đời của bài thơ. Tháng 9/1989, thời kỳ có đúng là có chuyện:
Cô Tấm đã vào cung Vua
Lều gianh mẹ ở nắng mưa một mình...
Chưa vội đi sâu vào nội dung, mà hãy lưu ý đến vần trắc ở chữ thứ hai của câu sáu trong thơ lục bát ở đây! Nếu theo đúng luật thì tất cả chữ thứ hai của mỗi câu thơ đều phải là thanh bằng, trừ trường hợp tiểu đối ở câu sáu và đổi vần ở câu tám. Ví dụ:
- Khi chén rượu,
khi cuộc cờ...
- Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non
Nếu không phải thế mà vẫn phải phá luật như thế, chứng tỏ cái tình ở trong câu thơ có gì trắc ẩn, ngang trái. Tác giả không thiếu gì từ ngữ và kỹ thuật để đặt một vần bằng theo đúng luật vào câu thơ. Việc đặt một vần trắc như thế vào đây rõ ràng là có chủ ý. Ðọc đến câu sau ta sẽ thấy rõ cái chủ ý đó và cảm thấy cái thực tế ở đây quả là đáng trách: Cô Tấm được trở lại cung Vua rồi thì đời mẹ lại "nặng nghiệp ăn xin" như một định mệnh!
Nhưng dẫu cho thực tế có bẽ bàng như vậy, mẹ nghèo của chúng ta vẫn không hề oán trách gì cô Tấm nửa lời. Trái lại, những kỷ niệm êm đẹp và trong sáng về cô Tấm vẫn còn theo mẹ vào cả giấc mơ, ra ngoài đời thực. Ðó là miếng trầu cánh phượng chỉ có tay cô Tấm mới têm nổi. Ðó là bóng thị xanh trên con đường mòn mẹ thường qua lại. Quả thị lẫn người trong quả thị dẫu không còn, nhưng bóng thị vẫn còn xanh như thể an ủi mẹ. Không còn quả thị để mà ngắm, mà ngửi nữa, mẹ lại ngó lên vầng trăng đêm rằm. Từ vầng trăng, mẹ lại liên tưởng đến thực tế:
Trăng trong đời mẹ chưa rằm một đêm!
Vâng, dẫu phận nghèo, hạnh phúc chưa bao giờ được viên mãn, nhưng trong tâm tư mẹ, vầng trăng vẫn mang hình bóng quả thị chín vàng, vẫn là sự cao thượng trong sáng. Việc mẹ phải đi ăn xin chỉ vì "đời nợ mẹ- mẹ ăn xin giữa đời". Ðến đây ta có cảm nghĩ, bài thơ giống như đoạn tóm tắt của "Hậu Tấm Cám". Cuộc đời này phải mắc nợ bà mẹ nghèo đã nuôi cô Tấm, vì cô Tấm là hiện thân của chính nghĩa để chống lại phi nghĩa. Mẹ nuôi cô Tấm là góp phần bảo vệ chính nghĩa để cho cuộc đời này không còn những mụ dì ghẻ độc ác nữa. Mụ dì ghẻ độc ác bị trừng trị, sau bao cay đắng dập vùi, cô Tấm lại được trở về làm hoàng HẬU. LÀM HOÀNG HẬU RỒI CÔ QUÊN MẸ NGHÈO CHĂNG? Ở đây chưa hẳn như vậy, bởi ta không hề nghe một lời oán trách nào ở mẹ, và tác giả cũng không hề cố ý quy lỗi cho cô Tấm. Có thể vì cung vua- chốn lầu son xa xôi quá, mà mẹ thì vẫn bám lấy xóm nghèo, mái rạ, lối chợ, sân chùa, khi mà thông tin còn lạc hậu, cô Tấm làm sao thấu hiểu hết tình cảm đó? Có thể vì khi trở lại cung vua, phải làm "nội tướng" cho vua, cai quản cả "tam cung lục viện" chìm ngập giữa lo toan và công việc, dẫu có nhớ đến mẹ nghèo thật, cô cũng chưa giúp được gì?
Bài thơ chỉ có 22 câu, trong đó, hai câu cuối lại lặp lại hai câu đầu, và lặp lại đầu đề. Nhưng cái hay, cái tài của bài thơ, theo tôi là ở chỗ đó. Ðầu đề, cũng do bài thơ đề ra, ý muốn nói có thể coi đây là "Hậu Tấm Cám" cũng được. Hai câu đầu thì vào thẳng đề và triển khai một mạch, khiến cho cô Tấm nếu được Bụt cho hoá thân trở lại vào bóng thị xanh cũng phải tự trách mình sao lại thiếu sót với mẹ như thế! Ðến hai câu cuối, ta cũng không thấy có ý gì trách móc, mà chỉ nhắc nhở một cách nhẹ nhàng, tế nhị.
Bài thơ dễ nhớ, tứ thơ dễ hiểu, ý ở trong lời thế nào, ý ở ngoài lời thế ấy, chẳng có gì cầu kỳ bí ẩn. Làm được thơ như thế không dễ. Bí quyết thành công ở đây là tình cảm của tác giả đối với những bà mẹ nghèo đã nuôi cô Tấm trong đói nghèo, đến khi cô Tấm được trở lại cung vua, vẫn giữ đúng phương châm xử thế "thi ân vật niệm, thụ ân vật vong" (làm ơn không kể, chịu ơn không quên) của văn hoá phương Ðông.
Vào thời điểm đó (9/1989), đọc bài thơ, ta nghĩ thế nào mẹ nghèo cũng sẽ được cô Tấm đền ơn đáp nghĩa. Vào thời điểm hiện nay, đọc lại bài thơ, mới biết câu chuyện "Hậu Tấm Cám" nói trên thật là có hậu!
(lời bình của Vương Thừa Ân, báo Phụ Nữ VN 2001)
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn