Nguyễn Khuyến có đánh bạc không?

        Tôi thường rất băn khoăn về hai câu trong bài thơ Nôm tự trào của Nguyễn Khuyến: "Cờ đang dở cuộc không còn nước - Bạc chửa thâu canh đã chạy làng". Ðây là hai câu thơ khá hay miêu tả cảnh người chơi cờ bạc thấp. Cờ chưa tàn đã hết nước đi, tức là thua rồi. Còn bạc thì mới được mấy ván đã nhẵn túi không còn tiền chơi tiếp, phải bỏ chạy. Thiên ý của câu thơ là châm biếm hài hước, chê cái anh thấp kém gặp vận bí. Mà cũng là cách nói ngoa ngôn trào lộng, không phải là chuyện cờ bạc thật. Hiểu rộng ra là việc đời, là tâm sự của người bất đắc chí. Vì vậy nó rất nhất quán với toàn bài và đầu đề của bài là Tự trào - tự cười mình.

        Song vẫn có điều gợn lên, đi đến khó chấp nhận câu thơ đó là của Nguyễn Khuyến, thích hợp với Nguyễn Khuyến. Bởi vì Nguyễn Khuyến là người luôn có ý thức về vị trí của mình. Là bậc đại khoa, là vị quan triều, ông rất cẩn trọng về chữ Lễ của Nho giáo. Ðọc suốt mấy trăm bài thơ cả chữ Hán lẫn chữ Nôm của ông, không hề thấy ông tự nhận mình chơi bời cờ bạc. Vui chơi sao được khi tâm sự của ông tràn đầy uất hận trước cảnh nước mất dân tàn, đau đáu một niềm day dứt thấy mình bất lực, một người thấy mình học rộng tài cao mà không làm được gì để cứu dân cứu nước. Như vậy Nguyễn Khuyến không ham chuộng cầm kỳ thi hoạ chỉ vì nó không hợp thời. Làm sao ông có thể là người chơi cờ bạc? Dù cờ bạc ở đây là nói bóng nói gió trào lộng thì ít nhiều cũng phải xuất phát từ thực tế, hơn nữa lại là tự nói về mình. Tôi nhớ hai câu khác dễ chấp nhận hơn. Ðó là câu trong Quế Sơn thi tập in trước Cách mạng tháng Tám. Hai câu đó là: "Cơm ăn ba bữa còn lo nước - Thuế thiếu vài nguyên đã có làng". Thực ra cơm ba bữa không phải là khoe giàu, là xa xỉ. Theo tôi biết, nông dân bình thường vùng nam đồng bằng Bắc bộ thường chỉ ăn hai bữa một ngày, sáng và trưa, chiều tối không ăn. Vùng Lý Nhân Hà Nam mãi đến những năm 60 vẫn chỉ ăn ngày có một bữa. Mặc dù vậy vẫn có bữa tối cho người già yếu, trẻ thơ, có khi chỉ là củ khoai, bát cháo. Nam Cao đã chẳng viết về những bữa tối đau lòng thời khốn khó đó sao? Còn như "thuế thiếu đã có làng" thì không phải đấy là chuyện đè đầu cưỡi cổ nhân dân, không phải cùng hào lý phù thu lạm bổ vào dân đen để đậy thuế cho mình. Các cụ thời xưa thích hai chữ "lo nước" có hàm ý vừa lo nước nôi để làm ruộng vừa là lo quốc sự lớn lao. Ðến câu "Thuế thiếu vài nguyên đã có làng" thì các cụ vỗ đùi khen thật sự. Ðúng là giọng Tam nguyên. Vừa ngang hàng vừa rất đáng yêu. Dân làng, kể cả lớp hào lý, phú hộ đều kính trọng yêu mến cụ. Hàng ngày họ chơi bời trò chuyện cùng cụ. Khi họ cần cụ sẵn sàng cho chữ, cho câu đối, cho thơ. Cái nào cũng hay và dí dỏm. Lúc cụ thiếu một vài đồng tiền thuế, làng đóng thay có đáng là bao. Mà cũng là nói đùa chơi. Ðấy là sự thật từng có trong cuộc đời và trong văn bản thơ Nguyễn Khuyến.

        Có phải vì chưa chi li tường về những điểm này mà các nhà biên tập hiểu sai thơ, đành chọn cờ bạc, hiểu sai cả tính cách Nguyễn Khuyến trong Tự trào của cụ chăng?

Trần Ngọc Thụ

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn