ẨN DỤ - PHƯƠNG THỨC NGHỆ THUẬT CỦA NGÔN NGỮ THƠ Kiều
Người học và đặc biệt là người nghiên cứu ngôn ngữ Việt từ một nền văn hoá khác, họ sẽ thấy cách nói ví von ý nhị của người Việt. Người Việt thường hay dùng hình ảnh cụ thể, dẫn dụ ra một hình tượng cụ thể song không phải để người ta nhận thức hiện tượng tự nhiên nào đó mà nhằm cái đích biểu tỏ một ý niệm trừu tượng. Giữa hình ảnh, hình tượng và ý niệm đó người ta chẳng hề thấy có một sự tương quan, liên đới nào. Ví như giữa hình ảnh cánh bèo trôi dạt trên sông nước và đời người chẳng hạn, không có mối tương quan gì; thế nhưng người Việt thời xưa hay dùng hình ảnh đó để nói về thân phận bất hạnh dạt trôi của kiếp người. Người ta thường gọi cách nói đó là cách nói ẩn dụ. Ðặc biệt trong ngôn ngữ thơ Kiều, ẩn dụ trở thành một phương thức nghệ thuật đặc trưng, nổi trội.
Mọi người đều biết nàng Kiều trở thành biểu tượng của người phụ nữ tài hoa nhan sắc bị xã hội phong kiến trà đạp, biểu tượng của số phận bất hạnh của con người nói chung. Khi tác giả "nói theo cách nói người Việt" một cách nghệ thuật, Nguyễn Du viết: "Phận sao phận bạc như vôi - Ðã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng", người đọc thẩm thấu được ngay cái số phận "bạc như vôi" ấy và cảm thông hơn với nhân vật. Hòn vôi, tường quét vôi, màu vôi trắng bạc là vật thể cụ thể, số phận bất hạnh của con người là một ý niệm, cái ý niệm đó không còn trừu tượng mà trở nên biểu cảm, truyền cảm qua cách nói ẩn dụ quen thuộc với người Việt "bạc như vôi". Cách nói ấy được đưa đẩy trong cấu trúc của câu thơ lục bát cũng rất quen thuộc. Khi Thúc Sinh nhớ nàng Kiều, anh chàng đa tình đa mang này nhìn lên trời thấy trăng non đầu tháng mảnh như lá liễu, tưởng nhớ đến lông mày người đàn bà tài sắc, tình cảm đó được nhà thơ viết "Mày ai trăng mới in ngần - Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa". Tác giả không có ý tả trăng, tả cảnh mà cái đích là để Thúc Sinh tự tình. Hình ảnh trăng lá liễu ẩn dụ cho nỗi nhớ da diết của chàng Thúc. Ðiều cần nói thêm là những hình ảnh, cảnh tượng được tác giả truyện Kiều dẫn ra để "ẩn" một ý tưởng, một tình cảm, hầu hết là những HÌNH ẢNH, CẢNH TƯỢNG QUEN THUỘC VỚI NGƯỜI VIỆT. ẤY LÀ NHỮNG CÁNH BÈO lênh đênh sông nước, ấy là cỏ nội với hoa hèn, bọt bèo nơi đầu ghềnh, cuối bãi, hoa lựu đỏ lập loè như ánh lửa đầu hè... Cảnh thuần Việt, tình thuần Việt được ngôn ngữ thơ thuần Việt diễn tả nên "nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng", "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", cách nói ẩn dụ trong thơ Kiều đầy tính biểu cảm. Khi nàng Kiều than thân với người với đời "phận bèo bao quản nước sa - lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh", người đọc am tường ngôn ngữ Việt thì dù có xuất xứ từ một nền văn hoá khác chắc chắn cũng "cảm" được nỗi lòng nàng Kiều gần như "xuôi tay" phó mặc cho số phận qua hình ảnh cánh BÈO HÈN MỌN VÀ BẤT LỰC TRƯỚC DÒNG ĐỜI.
ẩn dụ là một phương thức nghệ thuật nổi trội và đầy hấp dẫn của truyện Kiều - đỉnh cao phát triển ngôn ngữ văn học dân tộc thế kỷ 18./.
Hoài Việt
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn