PHIÊN CHỢ QUÊ MÙA ĐÔNG

CHỢ ĐẦU ĐÊ

Gió hun hút thổi từ sông lên,
Cỏ lụi, đê mùa đông trần trụi
Không ánh lửa, không dáng khói,
Chợ đầu đê, họp nhanh, tan nhanh.

Giống má, ngô khoai, rổ rá, rau hành
Những nải chuối phổng phao, mập mạp
Thúng táo vàng, sương đêm ướt đẫm,
Cà chua hồng như ảnh lửa lò cao.

Gạo trắng tinh, thu góp vị ngọt ngào
Của đồng áng, gọi người sành thưởng thức
Lợn ủn ỉn, bầy thỏ con ngơ ngác
Cặp ngỗng tồ, nghển cổ ngắm trời xanh

Nài kéo hồn nhiên, lời mặc cả hiền lành,
Tình xóm làng lân lý chỉ bền thêm
Xin nói nhỏ, chợ là nơi hẹn ước
Nhiều lứa đôi năng đến chợ mà nên

Về làng, tôi cũng hay ra chợ
Ngắm người thôi cũng đủ no lòng
¡n bánh khúc ở trong quầng chõ nóng,
của bà dì họ, tóc như bông.

 

Ngô Văn Phú

Ai đó từng nói: đến xem và chơi ở một phiên chợ sẽ giúp ta hình dung sinh hoạt và đời sống văn hoá của một vùng đất. Chợ có thể họp theo phiên vào những ngày nhất định trong tháng, trong năm mà cũng có khi họp theo thường nhật - tuỳ vào từng chợ, ở từng nơi. Chợ họp thường đem lại không khí đông vui làm nao nức lòng người trong cảm giác thân quen, gần gụi. Nhà thơ Ngô Văn Phú có cách tâm tình về một cái chợ nhỏ quê mình với dáng vẻ riêng-thấp thoáng chút hoang sơ, quê kiểng của một vùng đất còn nghèo.

Không quán, cũng chẳng lều. Cũng không toà ngang, dãy dọc như những chợ lớn ở chốn đô thị, chợ quê cứ lặng lẽ hiện ra tự nhiên như nó vốn có. Chợ quê hiện diện và như hoà với thiên nhiên. Một chút hun hút lạnh của những con gió "thổi từ sông lên" mang dấu hiệu của mùa đông về; một chút gì là tàm tạm, vồi vội như có phần qua quýt của một phiên chợ nghèo họp ngay ở "đầu đê". Ðến thời gian của phiên chợ cũng quáng quàng, vội vã: "chợ đầu đê họp nhanh, tan nhanh". Không nói ra sự cảm thông, ân tình mà những câu thơ của Ngô Văn Phú vẫn cho ta mường tượng ra bao mối lo toan, tất bật của những người dân quê một thuở.

Hình như để bù lại cho sự qua quýt, tạm bỡ giữa một không gian trống trải, lạnh lẽo ngày đông sớm, nhà thơ của đất trung du mở ra một không gian ấm áp của mọi thứ hàng quê mùa. Chợ quê - phiên chợ đầu đê như đang bày biện ra đủ mọi thứ tươi nguyên, chân mộc cứ như vừa từ vườn đất, từ vườn tược, từ cây nhà lá vườn quê ta mà về đây góp mặt, mà chung vui trong giao lưu, dân dã.

Những câu thơ của Ngô Văn Phú giản dị, gần gũi ngỡ như nhà thơ đang bầy dọn từng món hàng, từng sản phẩm của quê hương mình ra từng ô, từng chỗ mà chân thành, mà cũng thật ý nhị giới thiệu, chào mời. Trong cái vẻ hồn nhiên, mộc mạc mang đậm chất quê, nhà thơ vẫn kín đáo gói mở trong câu chữ một chút yêu thương, một chút tự hào về cái chợ đầu đê của mình. Bởi, những sản phẩm mang sắc hương, mùi vị của hương đồng gió nội ấy lại trở thành dư vị được kết tinh từ hồn quê, hồn đất và để rồi như cất lên lời mời, lời "gọi người sành thưởng thức".

Lại tiếp nói, tiếp kể hồn nhiên về phiên chợ quê nhà, Ngô Văn Phú khéo chuyển từ ngoại cảnh sang chiều hướng nội tâm tình. Như tách ra, như vượt lên những gì là nghiệt ngã của thiên nhiên, của những lo toan bộn bề khi "tháng nắng, tháng heo may, tháng giông bão, nước ròng, mưa gió táp. Mùa hộ đê, tiếng trống giục liên hồi". Theo thời gian, chợ quê đầu đê vẫn còn đấy, vui với ấm áp tình quê, tình người. Vẫn là bán, là mua mà sao cái tình, cái nghĩa cứ như ràng buộc, quấn quyện làm gần lại, làm ấm thêm những con người nơi thôn hương, xóm làng:

Mua bán, đổi trao, vẫn đậm đà chất phác
Tình xóm làng, lân lý chỉ bền thêm
Xin nói nhỏ, chợ là nơi hẹn ước
Nhiều lứa đôi năng đến chợ mà nên.

Bài thơ viết về một cái chợ quê của nhà thơ Ngô Văn Phú toàn nói những chuyện bình thường, những điều ngỡ như quá quen thuộc. Vẫn là cảnh quê, người quê, quen thân, gần gũi và dẫu có phải xa nó, ta vẫn muốn tìm về - như tìm về địa chỉ yêu thương mãi mãi của lòng mình vậy:

Về làng, tôi cũng hay ra chợ
Ngắm người thôi, cũng đủ no lòng
¡n bánh khúc ở trong quầng chõ nóng
Của bà dì họ tóc như bông./.

Trần Trung (Người Hà Nội)

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn