Câu thơ "Bốn phương mây trắng một màu - Trông vời cố quốc biết đâu là nhà" tác giả sử dụng hình tượng mây trắng xuất xứ từ điển tích ghi trong Ðường Thư: Ðịch Nhân Kiệt đời Ðường đi làm quan tham quận ở Tinh Châu, xa nhà xa cha mẹ cư ngụ ở Hà-Dương. Một hôm ông lên núi Thái Hàng ngắm nhìn mây trắng bay nơi chân trời, ông nói với thuộc hạ "nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng kia". Từ đó văn học cổ lấy hình tượng mây trắng để nói nỗi thương cha nhớ mẹ, nhớ nơi chốn sinh ra mình. Còn câu thơ "Mây Tần một dải xa xa" cũng có hình tượng đám mây tượng trưng cho quê hương thì lại xuất xứ từ câu cổ thi của Hàn Dũ "Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại" nghĩa là dải mây che ngang núi Tần Lĩnh, không biết nhà mình ở đâu. Về sau trong văn học cổ Việt Nam, mây tần là nói đến tình quê nhà đối với người xa xứ. Thơ Kiều còn thêm một lần nhắc tới "mây Tần" trong câu thơ: "Ðoái thương muôn dặm tử phần - Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa".
Trong Kiều còn có điển nói về rau thuần - tức là rau rút và cá vược là một loại cá dùng để ăn gỏi của người phương Nam đất Trung Nguyên cũng nói về thú quê, tình quê trong câu thơ: "Thú quê thuần vược bén mùi - Giếng vàng đã vụng một vài lá ngô".
Canh rau thuần, gỏi cá vược ở đây xuất xứ từ điển ghi trong sách Tấn Thư kể chuyện Trương Hán đi làm quan ở Lạc Dương xa nhà. Mùa thu về ông nhớ món ăn quê da diết, ấy là canh rau thuần, gỏi cá vược. Ông nói đại ý: người ta ở đời cốt thoả cái thú sống của mình, mắc chi phải trói buộc vào vòng danh lợi, vì tước lộc mà xa thú sống ở quê. Trương Hán treo ấn từ quan chỉ vì cái thú quê ấy. Từ đó thuần vược cũng được nhắc đến như một điển tích đậm đà tình quê trong trái tim sầu xứ của con người.
Trong thơ Kiều còn có những câu thơ mà nếu không thuộc điển tích về tình quê thì khó lòng hiểu được, cảm được. Ví như câu:
"Rộng thương còn mảnh hồng quần
Hoa tàn được thấy gốc phần là may".
"Thấy gốc phần" - ao ước tội nghiệp của nàng Kiều nghĩa là gì? Chính là quê hương xuất xứ từ điển tích Hán Cao Tổ trong sách Hán Thư ghi "Cao Tổ đảo phong Phần Du xã" nghĩa là vua Hán Cao Tổ làm lễ đảo phong ở xã Phần Du. Phần Du là tên xã, tên quê hương Lưu Bang sau này là Hán Cao Tổ. Từ đó "phần du" hay theo cách nói người Việt "gốc phần" cũng là nói về tình quê, về quê hương.
Ngôn ngữ thơ Kiều vừa mang tính bình dân, vừa đậm tính bác học, đỉnh cao của ngôn ngữ Việt thế kỷ 18; người ta chỉ có thể hiểu được ngôn ngữ thơ đó khi cảm nhận được những điển tích, trong đó có những điển tích nói về quê hương xứ sở./.
Hoài Việt
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn