Ðốt mã
của Nguyễn Ðình Kiên

Lửa đốt
nhà lầu, xe hơi...
Lửa đốt
tiền xanh, tiền đỏ...
Lửa lem lém những huy chương vàng mã
thế giới tâm hồn
Chẳng lẽ cũng công danh?
Bao hình nhân khói lửa quặn mình
Thêm lần nữa
Làm người hầu kẻ hạ

Chỉ không có nỗi đau hàng mã
Mẹ biết làm sao
Gửi được xuống mồ

        Tục đốt vàng mã có dấu vết của tín ngưỡng cổ xưa, mang ý nghĩa nhân văn, chẳng có gì cần chê trách một cách "quá tải". "Trần sao âm vậy", bà con ta quan niệm vừa giản đơn vừa sâu sắc. Nhưng Nguyễn Ðình Kiên đã bị sốc: trong khi tiến hành một cử chỉ nghĩa tình, ở số đám đốt mã nào đó vẫn bộc lộ những thói tật rất trần thế. Bằng vào một số thứ mã đốt xuống cho người đã mất, người ta vẫn muốn lập lại ở cõi kia những ham hố bạc tiền, công tích, danh vọng, quyền hành. Trong khi ở cõi hư vô kia làm gì còn cồn lên những tham vọng từng làm điêu đứng con người- bấy giờ đây đã được giải thoát khỏi mọi bận lòng, bức tri? Mọi giai tầng, mọi cách bức, mọi thấp cao... đã trở thành bình đẳng chốn an nghỉ ngàn thu.

        Chính vì bị sốc trước sự "thiếu vô tư" của tình thương, sự quấy lên những cặn đục còn đang hành hạ chính trong tâm thế và hành xử của người ở cõi sống nhà thơ đã ném ra một tứ thơ sắc nhọn vừa đau đớn loé lên trong sầm tối mặt mình.

Chỉ không có nỗi đau hàng mã
Mẹ biết làm sao
Gửi được xuống mồ

        Một phản bác mạnh mẽ trước những trò bịp của tình thương. Không được lợi dụng, lạm dụng nỗi đau lòng của mẹ. Nỗi đau trần trụi, ứa máu, nỗi đau câm nín. Hãy dồn tâm sức vào bù đắp, chia sẻ, an ủi phần nào. Vâng, chỉ được một phần nào thôi nỗi đau đớn lớn lao mà người chịu đựng duy nhất, cuối cùng là Mẹ. Nên nhớ rằng tất cả những hiếu thảo, những an ủi đắp bù của những đứa con khác, những người thân cũng như của bao người lòng lành bụng thật khác, cũng không thể nào thay được nỗi đau vĩnh viễn, nỗi đau cô vắng, khoảng trống không sao bù lấp nỗi đau của người mẹ mất con.

        "Nỗi đau hàng mã" là một kết hợp từ rất sắc và rất mới. Một cô nén xúc cảm theo lối thơ hiện đại. Không duy lý mà dồn chứa bi phẫn đẫm chất phương Ðông. Ðúng là thơ vì nó không cần nhiều lời giải trình. Nó ấn sâu lưỡi dao vào bên trong chứ không vung múa bên ngoài.

        Người thơ cúi đầu, nước mắt chảy vào trong... Những bức xúc của "lửa đốt", "lửa đốt", "lửa lem lém", "lửa quặn mình" nóng suốt mười dòng thơ đoạn trên đã được hoá giải bằng ba dòng thơ đoạn tiếp cũng là đoạn kết. Từ những giả hình trở về với những gì thật nhất. Nỗi đau khôn cùng của Mẹ lại chính là một chữa trị, một gọi kêu cho một cuộc sống chính trực, chân tâm con người cần hướng tới.

        Chúc mừng Nguyễn Ðình Kiên thơ trên đà đi tới....

(Lời bình của Trúc Thông- Báo Phụ Nữ Việt Nam tháng 12/2001)

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn