VỢ TÔICưới vợ về cô gái mười ba
Tôi chê vợ bé bỏ nhà đi chơi
Ðêm nằm mỗi đứa một nơi
Buồng riêng ẩm mốc xông hơi chiếu giường...Chí trai cầm súng lên đường
Thương ai ngày đoản đêm trường đợi trông
Thả cho cô bé sổ lồng
Tim nơi chia gánh sẻ gồng mà đi!
Chín năm kháng chiến trường kỳ
Xa xôi chả có tin gì chốn quê
Mười năm... Nghỉ phép tôi về
Vẫn cây lúa nước nằm kề nắng mưa.Mái nhà vẫn mái nhà xưa
Chờ tôi... Cô gái vẫn chưa lấy chồng
Cổ cao. Vai chảy. Ngực bồng
Mắt cười. Ðôi má ửng hồng... Nhìn tôi!Vội vàng cơm chín nước sôi
Ðang ngồi dưới bếp. Vợ tôi lên buồng
Quá trưa lợn đói phá chuồng
Ngõ quê ai đó gọi suông phía rà.Lê Ðình Cánh
(Rút từ tập Trời dịu - Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân 2001)
Lời bình:
|
Lâu lâu gặp Lê Ðình Cánh, nghe anh nói chuyện, rồi đọc kỹ bài thơ này, tôi có cảm giác là khi làm bài thơ Vợ tôi, anh luôn tủm tỉm cười. Niềm vui, cái hóm hỉnh, sự rí rỏm cứ nhẩn nha, tí tách nở trong từng câu chữ, khổ thơ... Chỉ bằng ấy thôi, anh đã diễn đạt được các cung bậc tâm trạng và tình cảm của cặp vợ chồng người lính trải mười mâý năm trời. Trước hết là người chồng. Bị cha mẹ bắt cưới vợ tảo hôn theo phong tục cũ, anh chàng "chê vợ bé bỏ nhà đi chơi"; rồi "đêm nằm mỗi đứa một nơi"; khi lơn lớn một chút thì "chí trai cầm súng lên đường"; đến lúc xa nhà, nghĩ lại mới biết "thương ai ngày đoản đêm trường đợi trông" và khi ấy anh chàng quyết "Thả cho cô bé sổ lồng. Tìm nơi chia gánh sẻ gồng mà đi". Vâng, đến đây thì có thể nói, anh chàng yên tâm vì nghĩ rằng mình đã làm cái việc đáng phải làm của bậc tu mi nam tử... Nào ngờ, qua những 9 năm kháng chiến trường kỳ, hơn 10 năm mới trở về quê, người lính trẻ nay đã đứng tuổi mới giật mình bởi "Chờ tôi... cô gái vẫn chưa lấy chồng". Anh chàng đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác, và khi ấy anh chàng không còn là mình nữa, nên cũng không làm chủ được tình cảm của mình, tất cả như bị hút về phía người vợ đầy ấn tượng: "Cổ cao. Vai chảy. Ngực bồng". Còn người vợ, có lẽ chỉ sau ít phút bỡ ngỡ, hồi hộp ban đầu khi giáp mặt với người chồng đã từng chê mình bé, rồi bỏ mình đi biền biệt những chục năm trời, bỗng trở nên tự tin, mạnh bạo, nén niềm vui, và không giấu chút kiêu ngầm, lại như trách nhẹ, ý muốn bảo rằng: "Ðấy, ngày trước anh cứ chê tôi trẻ con đi, bây giờ thì hãy nhìn đây, tôi trẻ trung, xinh đẹp, đầy sức sống, ối trai làng tơ tưởng mà không được, là bởi tôi vẫn chờ anh đấy thôi... tôi vẫn nắng mưa cấy cày, khuya sớm thay anh chăm sóc mẹ cha... là còn bởi...?". Tuy nhiên, người vợ nhanh chóng ý thức thân phận và nữ tính của mình, cũng thôi không giận yêu nữa, nên sau khi "Vội vàng cơm chín nước sôi" tỏ rõ sự đảm đang, thì trở lại nguyên vẹn cái vẻ e thẹn, ý nhị, hồi hộp chờ đợi những cử chỉ yêu đương của chồng như cô gái lần đầu về nhà chồng, và điều này được anh chồng cảm nhận "Ðang ngồi dưới bếp, vợ tôi lên buồng". Quả thật, đến đây tôi bất ngờ và thầm khâm phục cái kết tài tình của tác giả: "Quá trưa lợn đói phá chuồng. Ngõ quê ai đó gọi suông phía rào". Chao ơi, hóm hỉnh quá mà lại man mác buồn. Một cái kết bỏ lửng, nhưng ai cũng cảm nhận được niềm vui nhẹ nhàng lan toả từ hạnh phúc muộn màng nhưng trọn vẹn của vợ chồng người lính.
Bài thơ Vợ tôi của Lê Ðình Cánh tuy không trực tiếp nói đến vẻ đẹp của người phụ nữ, song những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, theo cách nói thông thường là đẹp người đẹp nết ấy cứ ngầm toả hương từ cả bài thơ./.
Nguyễn Chu Nhạc
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn