KHI em vắng nhà
Ðêm nay ngọn đèn
cùng anh đợi em
Anh thao thức- thơ dễ thường mất ngủ
Em chưa về mà con đòi bú
Anh loay hoay chai sữa để đâu rồi!
Cứ như gà mắc tóc ấy thôi
Thấy con khóc thương em rồi đến giận
Chỉ một thoáng vắng em
mà biết bao vướng bận.
Em vất vả hằng ngày nào có kêu ca
Và căn phòng như cũng rộng thêm ra
Mọi vật đấy đụng vào như thiếu cả
Bàn tay đẩy nôi con còn vụng quá
Tiếng anh ru khấp khểnh mấy thân cầu
Con ngủ rồi anh chợp mắt yên đâu
Ước những chuyện tưởng từng như vặt vãnh
Bao nỗi lo đến bên lòng canh cánh?
Câu thơ anh khắc khoải đợi em về
Chiếc bàn tròn em vẫn cắm hoa kia
Nay bề bộn nào lọ đường, chai sữa
Tập bản thảo rối bời... và bao nhiêu thứ nữa.
Một ngày thôi xáo trộn hết lên rồi
Chính lúc này anh mới hiểu em ơi
Không thể thiếu em trong đời được
Nếu chẳng có bàn tay em chăm chút
Mái nhà mình đâu dễ đã bình yên
TRƯƠNG NAM HƯƠNG.
Ðọc đến hai câu cuối bài thơ "Nếu chẳng có bàn tay em chăm chút/ Mái nhà mình đâu dễ đã bình yên", tôi mĩm cười một mình: anh bạn thơ trẻ của tôi đã phát hiện ra một điều mới mẻ như.. trái đất! Có gì đâu, vì anh nhà thơ đã thấm đòn: vợ đi vắng một ngày một đêm mà tất cả cứ lộn tùng phèo lên!
Trương Nam Hương vốn là nhà thơ tài hoa về câu chữ nhưng ở bài thơ "Khi em vắng nhà" này thì anh viết giản dị như không:
Ðêm nay ngọn đèn
cùng anh đợi em
Anh thao thức- thơ dễ thường mất ngủ
Em chưa về mà con đòi bú
Anh loay hoay chai sữa để đâu rồi!
Một mình đợi vợ thì cô đơn quá, anh phải rủ cả ngọn đèn cùng đợi với anh cho đỡ buồn! Hai câu thứ ba, thứ tư thật dở cười, dở khóc "Em chưa về mà con đòi bú". Khi đi, chắc vợ cũng đã dặn pha sữa vào chai, khi con đói thì cho nó ăn nhưng ông chồng đuểnh đoảng lại "loay hoay chai sữa để đâu rồi". Cái lúng túng vụng về của người chồng đúng là "cứ như gà mắc tóc ấy thôi". Thấy con khóc, anh giận vợ nhưng rồi lại thương:
Chỉ một thoáng
vắng em
mà biết bao vướng bận.
Em vất vả hằng ngày nào có kêu ca
Từ thực tế trong đời sống gia đình, người chồng hiểu ra sự tảo tần lặng lẽ của vợ. Những người vợ, người mẹ Việt Nam là thế: âm thầm vất vả nuôi con, không bao giờ kể công hoặc kêu ca phàn nàn. Hàng nghìn việc không tên trong gia đình đã ngốn hết thời gian và tâm trí các chị. Trong khi đó có những đức ông chồng thấy mình là vất vả còn vợ ở nhà chăm con và cơm nước giặt giũ ... thì cứ nhẹ tênh tênh.
Nhà thơ Trương Nam Hương trong lần vợ đi vắng vài ngày này đã hiểu ra nhiều điều:
Và căn phòng như
cũng rộng thêm ra
Mọi vật đấy đụng vào như thiếu cả
Bàn tay đẩy nôi con còn vụng quá....
.....
Chiếc bàn tròn em vẫn cắm hoa kia
Nay bề bộn nào lọ đường, chai sữa
Tập bản thảo rối bời... và bao nhiêu thứ nữa.
Một ngày thôi xáo trộn hết lên rồi
Cũng dễ hiểu thôi, cánh "nhà thơ nhà...thẩn" chúng tôi thì hầu hết là vụng dại, vô tích sự, mọi việc trong gia đình đều "ăn theo vợ", lo cho mình còn chẳng xong nữa là lo cho ai. Cho nên bạn đọc có thể tin những điều Trương Nam Hương viết ở đây là chân thành.
Và chính sự chân thành ấy đã tác động vào tình cảm anh một cách mãnh liệt để anh kết bài thơ một cách hùng hồn đến... ngây thơ:
Chính lúc này anh mới hiểu em ơi
Không thể thiếu em trong đời được
Nếu chẳng có bàn tay em chăm chút
Mái nhà mình đâu dễ đã bình yên
Vâng, cái điều này không có gì mới mẻ, đã có bao nhiêu người làm thơ, viết văn nói rồi nhưng biết đâu họ chỉ nói cho đúng... sách, đúng phép lịch sự với vợ, còn tôi- một người bạn thơ vong niên cách anh một thế hệ- thì rất tin những câu thơ của anh vì anh đã ... trả giá!.
(Lời bình của Nguyễn Bùi Vợi, báo Phụ nữ Việt Nam)
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn