Hà Ðông của Phạm Ðình Ân
Hà Ðông vốn thuộc về Hà Nội
nay thì không mà vẫn cứ Hà Ðông
Em ở lại thị xã này mãi mãi
những buổi chiều em đã có tôi mongDăm cây số thoắt bước sang tỉnh khác
đường mới làm, nắng gió thảnh thơi hơn
Tôi trót có những chiều vàng hư ảo
vui, trôi qua đôi mắt của em buồnPhố lớn nhất nằm trên đường số sáu
lên Xuân Mai, Hoà Bình, Mai Châu
Qua Hà Ðông, xin đừng nhìn hờ hững
điện sông Ðà hé sáng giữa gian laoLàng Vạn Phúc bên bờ sông Nhuệ
sử sách từng ghi biết mấy mươi lần
Xưa lắm lụa mà đến nay lại hiếm
Những làng La tôi đã quá yêu thânHà Ðông có thuộc về Hà Nội
hay là không, thì vẫn cứ Hà Ðông
Phố thưa vắng mà tìm người đâu dễ
Nghìn buổi chiều tôi đến, phải về không
Mỗi bài thơ hay có một thế đi riêng của nó. Nhận ra thế đi ấy là nhờ vào dáng dấp xúc cảm hiện lên từ bài thơ kia. Có dáng dấp dữ dội tung phá. Có dáng lim dim êm nhu. Có dáng lảo đảo đến câu cuối chữ cuối. Có dáng trịnh trọng ngay từ thoạt mở đầu... "Hà Ðông" của Phạm Ðình Ân là một tiếng thở dài lặn vào trong, là giọng tủi của một trái tim đôn hậu. Ta như thể gặp một con người dễ chịu, ẩn giấu đi những nông nổi thiệt thòi, vẫn đầy dịu dàng bao dung với cuộc đời.
Linh hồn của bài thơ là "em Hà Ðông". Nhưng mở đầu đã không ổn rồi:
Em ở lại thị xã này mãi mãi
và kết bằng một sự thật "búa bổ"
Nghìn buổi chiều tôi đến phải về không
Ðấy là câu thơ hay nhất bài, nó thường chạm vào trí nhớ tôi mỗi lần nghĩ đến "Hà Ðông" và Phạm Ðình Ân. Nó hay trong thế đối lập cụ thể với câu sát kề bên "phố thưa vắng mà tìm người đâu dễ". Nó hay sâu xa hơn trong sự hy sinh to lớn của nhà thơ. Người thưởng thức thơ thường "độc ác" một cách không tự biết. Bạn suýt xoa, bạn khuyên son cho câu thơ đi vào trái tim mình, giải và bình, và mến thương tác giả... Xin quý vị độc giả hãy ngầm biết cho rằng con người bình thường kia đã bị mất đi một cái gì cực kỳ quý xót, đã chịu một khoảng trống ghê gớm "nghìn lần tôi đến phải về không" để cung hiến cho thơ một câu hay đến se lòng.
Tôi thật khó tin những kẻ ác bạc, đầy hằn học đố kỵ với đời lại có thể có THƠ HAY SÂU SẮC, LÂU DÀI. Ở MỘT THỜI ĐIỂM NÀO ĐÓ CÒN TỐT LÀNH, Ở PHÚT TRONG SẠCH DÂNG mình cho thơ, anh ta có thể "đánh quả" được một ít tiếng vang. Nhưng rồi tính bạc ác cố hữu thắng thế, những bạn làm thơ ấy rơi dần. Phạm Ðình Ân thuộc số những nhà thơ chân chính: vui buồn, khao khát, thất vọng... như tất cả mọi người. Nhưng ứng xử trở lại với đời bao giờ cũng cao hơn một bậc. Ngoài sự phân tích trên, ta còn thấy ứng xử ấy thể hiện tự nhiên trong cấu trúc bài thơ. Năm khổ thơ thì "em Hà Ðông" chiếm ba khổ. Chính vì yêu mà nhà thơ "vơ vào" cả những gì ngoài "em":
Phố lớn nhất nằm trên đường số sáu
lên Xuân Mai, Hoà Bình, Mai Châu
Qua Hà Ðông, xin đừng nhìn hờ hững
điện sông Ðà hé sáng giữa gian laoLàng Vạn Phúc bên bờ sông Nhuệ
sử sách từng ghi biết mấy mươi lần
Xưa lắm lụa mà đến nay lại hiếm
Những làng La tôi đã quá yêu thân
Nếu thuộc một dạng tâm hồn khác, sẽ có thể bật ra những tứ thơ sắc sảo đầy oán thán tất cả những gì thuộc Hà Ðông đã cướp mất nguồn vui sống của tôi! Nhưng mà nhân hậu làm sao, đi qua Hà Ðông bạn sẽ gặp sẽ tới những địa danh vô cùng đáng yêu... Tính xã hội, tính công dân cứ len vào tâm trạng con người giàu tình nghĩa này.Thật cảm động lời nhủ khuyên mềm mại rủ rỉ "... em đừng nhìn hờ hững/ Ðiện sông Ðà hé sáng giữa gian lao". Năm đoạn đáng nhẽ phải toàn "em", bỗng len vào giữa hai đoạn vẫn vương vấn đề đến em đấy nhưng còn nói rộng ra những yêu mến, những động tâm lớn lao khác, quan hệ đến nhiều người khác, đến đất nước đang hồi khó khăn, đến lịch sử, đến nhịp đời làm lụng nghìn năm. Thế bài thơ vẫn tự nhiên trôi qua hai đoạn này đến kết chứng tỏ cảm xúc chân thật, không gài đặt, và đó mới là tạng chất Phạm Ðình Ân.
Thơ tình yêu đã nhiều và từ dạo đổi mới ngày càng nhiều. "Hà Ðông" của Phạm Ðình Ân vẫn đứng riêng, nhỏ nhẹ, khiêm nhường. Không bị lẫn, không cần vấy vào những sắc thái mốt yêu "hiện đại". Trong đáy sâu tâm hồn cổ điển, yêu và buồn cũng cổ điển kiểu này, người độc giả cổ điển trong tôi được hưởng lâu dư vị chân chính của thẩm mỹ thơ ca- một cái gì nhân hậu, ấm áp, trong trẻo an ủi con người.
(Lời bình của Trúc Thông- báo Phụ Nữ Việt Nam 2001)
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn