Mẹ trong những trang văn

        Xưa nay, hình ảnh người Mẹ luôn là một hình ảnh thiêng liêng, sâu nặng của con người. Bố tôi, một ông đồ xứ Nghệ thường hay mở đầu lời ru của cháu bằng câu ca trầm buồn: 

Mẹ già ở chốn lều tranh
Đói no không biết, rách lành không hay.

        Chao ôi, lời thơ thật giản dị, mộc mạc, chân tình. Chỉ 14 chữ thôi mà hình ảnh người mẹ hiện lên thật đậm nét, làm xao xuyến cả cõi lòng. Mẹ vẫn ở trong túp lều tranh xiêu vẹo một mình, không người chăm lo miếng cơm, manh áo. Mà nào đâu chỉ có nỗi niềm thương nhớ. Đằng sau nỗi nhớ thương ngậm ngùi ấy là lời tự trách của những đứa con chưa tròn chữ hiếu. Phải chăng những nỗi niềm đó chính là tấm lòng hiếu thảo của những người con thương mẹ?! Vâng, đó chính là đạo lý Việt Nam, lòng nhân ái Việt Nam. Đạo lý và lòng nhân ái đó đi suốt chiều dài của lịch sử phát triển đất nước. Hình ảnh những người mẹ "mang nặng đẻ đau", rồi "Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra", hay "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa"... trong văn thơ dân gian được kế thừa một cách nghiêm túc và đầy trang trọng.

        Trên những dòng thơ, trang văn lãng mạn chủ nghĩa, bóng dáng mẹ hiện ra lặng lẽ mà chu đáo toàn năng, bao gồm từ hạnh phúc cơm no áo ấm đời thường:

Thuở bé nhiều hôm tôi bỏ chơi
Cảm thương đứng ngó mẹ tôi ngồi
Vá ben chiếc rổ mùi thơm cũ
Như tấm lòng thơm của mẹ tôi
(Tế Hanh- Chiếc rổ may)

        Đó cũng chính là nỗi niềm, là tấm lòng của nhà thơ mới nổi tiếng một thời- nhà thơ Lưu Trọng Lư::

Tôi nhớ Mẹ tôi thuở thiếu thời
Lúc Người còn sống, tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ Người đưa trước dậu phơi
(Nắng mới)

        Và cho đến hạnh phúc trí tuệ tâm linh từ thuở sơ khai- như chú bé làng Mỹ Lý năm xưa: "Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp" (Thanh Tịnh- Tôi đi học). Hồi tưởng chuỗi tháng ngày thơ ấu, trong hồi ký "Chân trời cũ" cũng có những đoạn văn đầy xúc động nói về mẹ: "Ngày nhỏ tôi yêu mẹ tôi một cách bịn rịn. Người chiều tôi, có lẽ vì người đoán thấy ở tôi một số phận thiếu êm vui.Tôi đòi gì là người cho. Tôi muốn gì là người chiều ý.".. Riêng cây bút hiện thực phê phán Nguyên Hồng cũng có những trang viết về mẹ với những nỗi niềm thương cảm vô hạn. Đọc "Những ngày thơ ấu", "Mợ Du"... hồi ức ta hiển hiện về hình ảnh những người mẹ khổ nhục- nạn nhân của đói nghèo, lễ giáo nghiệt ngã và của thế tình đen bạc. Trong chế độ phong kiến, vào thời kỳ thối nát, những người mẹ khổ nhục ấy bị vùi dập xuống tận đáy xã hội. Nhưng họ vẫn luôn như những đóa sen trong đầm lầy. Chính nhờ người mẹ hiền, chàng thiếu niên Nguyên Hồng mồ côi cha mới không bị chết đói nơi đất cảng Hải Phòng buổi tha phương cầu thực. Chính người mẹ chạy ngược chạy xuôi, buôn thúng bán mẹt đầu đường xó chợ vừa để kiếm sống, vừa để lấy tiền cho Nguyên Hồng mua những tờ giấy trắng rẻ tiền mà hoàn thành dần tiểu thuyết "Bỉ vỏ" đầu tay. Rồi có những ngày tháng gian nan "Khi tôi ở trại giam, một số truyện ngắn hồi ký đăng rải rác trên các báo từ 1936 được thu thập lại in thành sách. Mẹ tôi làm công việc này để lấy tiền mua thuốc men, quần áo, thức ăn gửi cho tôi... tôi đã thao thức nhiều đêm không sao ngủ được" (Nguyên Hồng, "Bước đường viết văn", 1970). Có thể nói: không có mẹ "thánh mẫu" này thì không có nhà văn Nguyên Hồng. Bởi vậy, mở đầu cho tập hồi ký "Những ngày thơ ấu" (1940), có dòng đề từ ngắn gọn mà kính cẩn: "Kính tặng mẹ tôi". Những trang viết về mẹ vì thế cũng đầy xúc động: .."Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngã vào nách mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt tôi... Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một thứ hơi êm dịu vô cùng" ... (Những ngày thơ ấu).

... Chả trách gì văn hào Nga Marxim Gorki  đã từng viết về người mẹ bằng những lời có cánh: "Không có mặt trời thì hoa không nở. Không có tình yêu thì không có hạnh phúc. Không có đàn bà thì không có tình yêu. Không có người mẹ thì cả nhà thơ và người anh hùng đều không có... mọi cái làm cho thế giới này tự hào đều do người mẹ làm ra cả". Vâng, xin cảm ơn những người mẹ Việt Nam xưa và nay. Xin dẫn lời thơ của nhà thơ Tố Hữu để kết thúc bài viết này:

Việt Nam, ôi Tổ quốc thương yêu!
Trong khổ đau, Người đẹp hơn nhiều
Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng
Nhẫn nại nuôi con, suốt đời im lặng....

(Nguyễn thị Thọ- CĐSP Huế, báo TTHuế 22/10/2002)

 

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn