Tro tàn quá khứ

Lả tả bay trên thành phố đông người
Tro quá khứ tình yêu em đã đốt
Cái quá khứ không đem mà ăn được
Nhưng con người lại chẳng thể nguôi quên.

Dẫu bây giờ không được nắm tay em
Mắt trong mắt như cái thời lửa cháy
Nhưng hãy lọc trong tàn tro đen ấy
Có những điều đốt mãi chẳng thành tro.

        Tôi đọc bài thơ với một niềm xúc động thực sự. Chỉ trong hai khổ thơ với những câu chữ giản dị nhưng đầy ám ảnh, triết lý và chân lý về cuộc đời đã được trình bày tưởng không gì có thể thuyết phục hơn thế. Ngẫm lại bài thơ và chợt hiểu ra rằng, những triết lý sâu sắc đến tưởng như đơn giản ấy không phải dễ dàng mà có nếu không xuất phát từ chính tâm cảm của người trong cuộc. Với bài thơ này, tôi muốn hiểu tác giả Lê Quang Trang là một trong những người trong cuộc như thế.

        Nguyên do để từ đó xuất hiện bài thơ không phải là một điều gì nằm ngoài trường nghĩa tan vỡ. Dẫu nguyên nhân tan vỡ không được lý giải nhưng có thể ngầm hiểu, sự nguôi quên cũng chẳng dễ dàng. Chính vì vậy mà mới có hành động "đốt quá khứ tình yêu", như một cách thức để chạy trốn kỷ niệm của quá vãng"

Lả tả bay trên thành phố đông người
Tro quá khứ tình yêu em đã đốt
Cái quá khứ không đem mà ăn được
Nhưng con người lại chẳng thể nguôi quên

        Hình tượng "tro tàn quá khứ" ở đây có thể là hình ảnh thật nhưng cũng không loại trừ hàm nghĩa ẩn dụ.Thật là bởi căn cứ vào động- tính từ "lả tả bay", có tác dụng thuyết minh thêm cho một hiện thực đã rõ ràng và hướng đến một đối tượng chuyên biệt: những tấm ảnh hay những bức thư tình bị đốt cháy. Không thật là bên cạnh cái nghĩa tường minh ấy, "tro tàn quá khứ" còn ngầm biểu đạt cho một tình yêu đã lùi vào dĩ vãng nhưng dư ba thì vẫn còn vang vọng. Nhưng cho dẫu thế nào đi nữa, hành động "đốt" cũng đã diễn ra và hai câu cuối của khổ thơ chính là sự lý giải cho hành động xuất hiện ở đầu bài, có ý nghĩa là lời biện minh của chủ thể trữ tình cho hành động trốn chạy quá khứ tình yêu của cô gái, được nối tiếp với khổ thơ thứ hai trở thành lời đồng vọng của chính tác giả:

Dẫu bây giờ không được nắm tay em
Mắt trong mắt như cái thời lửa cháy
Nhưng hãy lọc trong tàn tro đen ấy
Có những điều đốt mãi chẳng thành tro.

        Khoan hãy xét đến kết từ "dẫu", hai câu thơ đầu của khổ thơ tiếp tục trình bày một hiện thực đã tỏ tường: tình yêu kia đã không còn hiện hữu trong hiện tại. Nói một cách khác, nó đã thuộc vào thời quá khứ, vào những ngày tháng bồng bột mê say: 'Mắt trong mắt như cái thời lửa cháy". Tuy vậy, xét bài thơ trong mối quan hệ của cặp kết từ "dẫu- nhưng", dư âm của bài thơ lại không phải là sự tiếc nuối. "Dẫu" là sự thừa nhận nhưng cũng lại là sự phủ nhận hiện tại để "nhưng" khẳng định một hiện thực lớn lao hơn. Ở đây, là sự thừa nhận một tình yêu đã qua, một thời khắc tươi đẹp đã lùi vào quá vãng nhưng không vì thế mà bi lụy. Trái lại, người đọc bắt gặp sự tin tưởng tuyệt đối về một chân lý hằng sống mãnh liệt, trở thành niềm xác tín không gì lay chuyển nổi:

Nhưng hãy lọc trong tàn tro đen ấy
Có những điều đốt mãi chẳng thành tro.

        Dường như, sự thực hiển nhiên là vậy, chỉ có điều nó đòi hỏi một sự nhìn nhận cẩn trọng mà thôi. Không tán đồng, cũng chẳng phản đối hành động đốt "quá khứ tình yêu" của cô gái, chủ thể trữ tình ở đây chỉ nhằm nêu lên một cách hành xử khác trong cuộc đời. Sự sàng lọc, nếu trước đây- khi yêu, là cần thiết thì giờ đây, khi chối bỏ, lại cần thiết hơn gấp bội. Hai khổ thơ với hai đối tượng và hai cách nhìn nhận cuộc đời không hoàn toàn khẳng định người nào đúng sai mà chỉ nêu lên chân lý, điều trùng hợp là cả hai khổ thơ, hoặc bắt đầu, hoặc kết thúc, đều có sự gắn kết với kết từ "nhưng", như chủ ý phủ định để khẳng định một cách chắc chắn hơn bao giờ hết. Từ một hành động đơn giản là: "đốt", tác giả đã khéo liên tưởng đến những hiện tượng là bản chất của tình yêu, đến sự quan niệm về lẽ sống. Rốt cuộc, bài thơ chính là sự trình bày một quan niệm sống ở đời trong đó nhấn mạnh sự vĩnh cửu của hồi ức từ quá vãng. Hành động đốt của cô gái và hiện thực đốt chỉ có thể làm tiêu tan bề mặt của sự hồi tưởng; thực chất, nó làm sống dậy, làm bất biến các giá trị khác đã vĩnh viễn đi vào tâm khảm của chính người thực hiện hành động trốn chạy. Bởi thực chất, đốt là trốn chạy và trốn chạy là thừa nhận không thể nào quên được. Cái lắt léo của tình yêu chính là ở đó. Không nhằm thuyết minh và triết lý nhưng Tro tàn quá khứ của Lê Quang Trang đã thực hiện trọn vẹn triết luận của tác giả; trình bày niềm xác tín mạnh liệt về sự trường cửu; ở đó, cùng cực tươi đẹp, cùng cực khổ đau, là bất diệt.

Nguyễn Hoàng Phương- báo Phụ Nữ Việt Nam

 

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn