TƯỞNG NHỚ TỐ HỮU 
QUA NHỮNG VẦN THƠ VIẾT VỀ ĐẢNG

        Nhà thơ Tố Hữu, nhà lão thành cách mạng, con chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế đã vĩnh biệt chúng ta. Đồng chí đi xa, để lại cho đồng bào cả nước và bà con quê nhà bao nỗi bùi ngùi, xúc động và lòng tiếc thương vô hạn. Chúng ta tự hào, kính trọng và biết ơn bậc lão thành cách mạng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung bất khuất, người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, tận tụy vì nước vì dân, một nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện tại. 

        Nhà thơ Tố Hữu qua đời, nhưng di sản văn hóa đồ sộ của Người sẽ còn sống mãi với thời gian. Với "Từ ấy" (1946), "Việt Bắc" (1954), "Gió lộng" (1961), "Ra trận" (1972), "Việt Nam máu và hoa" (1978), "Một tiếng đàn" (1992) mãi mãi là mốc son chói lọi của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là dấu ấn của quê hương và cách mạng, là tiếng nói "đồng tình, đồng ý, đồng chí" còn được truyền lưu từ thế hệ này qua thế hệ khác.

        Tố Hữu là nhà thơ chỉ viết để phục vụ cách mạng từ trước đến sau. Thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Đó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca. Với Tố Hữu, nghệ thuật không hề mâu thuẫn với đời sống, con người làm thơ với con người hành động chỉ là một, sống là hành động, thơ cũng là hành động.

        Trong nguồn cảm hứng của thơ, nhà thơ Tố Hữu đã "dành cho Đảng phần nhiều", luôn luôn đứng trên lập trường của Đảng mà đấu tranh, suy nghĩ và cảm xúc.

        Trước hết, Đảng là mặt trời chân lý, là ánh sáng thức tỉnh. Đảng là sự đổi đời, là lẽ sống, là niềm tin... Rất đỗi thân thiết mà thiêng liêng cái lý tưởng cộng sản làm con người giữa chốn vô vọng bừng sáng mắt, sáng lòng:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim
(Từ ấy)

        Giờ phút ấy, nhà thơ cảm thấy choáng ngợp trong niềm hạnh phúc được đổi đời. Tập thơ "Từ ấy" là tiếng reo vui của một tâm hồn thơ tươi trẻ bắt gặp ánh sáng lý tưởng cộng sản, sôi nổi say sưa, đậm đà hương sắc và rộn ràng âm thanh.

        Xứ Huế quê hương đầy thương nhớ, với người mẹ hiền ấp ủ mình từ thuở ấu thơ được Tố Hữu nhắc đến bằng những dòng thơ đằm thắm:

Con lớn lên, con tìm cách mạng
Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi
Mẹ không còn nữa, con còn Đảng
Dìu dắt khi con chửa biết gì
(Quê mẹ)

        Sinh ra giữa những ngày nước mất, con người nô lệ phải sống cuộc đời buồn thảm, bao nỗi niềm da diết thương đau:

Ôi những ngày xưa... Mưa xứ Huế
Mưa sao buồn vậy nổi mưa rơi
Ngẩng đầu lên, không thấy mặt trời
Đất lai láng những là nước mắt

        Đang lúc ấy, mặt trời Đảng xuất hiện chói lọi trước mắt nhà thơ. Ánh sáng chân lý cách mạng khiến con người bừng lên một sức sống mới vô cùng trẻ trung, mãnh liệt.

Từ vô vọng, mênh mông đêm tối
Người đã đến. Chói chang nắng dội
Trong lòng tôi. Ôi Đảng thân yêu
Sống lại rồi. Hạnh phúc biết bao nhiêu
(Một nhành xuân)

        Tình cảm ấy càng trân trọng hơn, sâu lắng hơn, khi nhà thơ viết:

Xin dâng tấm lòng tạ ơn Đảng
50 năm
Đêm hóa trăng rằm
Tỏ mặt người, mặt đất.

        Năm 1960, Tố Hữu viết "Ba mươi năm đời ta có Đảng". Bài thơ dài đó đã thể hiện lại tương đối trọn vẹn những chặng đường phấn đấu hy sinh của Đảng, của nhân dân ta:

Thuở nô lệ, dân ta nước mất
Cảnh cơ hàn trời đất tối tăm
Một đời đau suốt trăm năm
Chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao

        Giữa lúc ấy: "Mặt trời kia! Cờ Đảng giương cao"! Đảng xuất hiện như một vị cứu tinh của bao kiếp người nô lệ đang "biết đâu nẻo đất, phương trời mà đi".

        Đảng không chỉ là kết tinh sức mạnh của toàn dân tộc đã bừng tỉnh và đang đồng tâm chiến đấu. Sức mạnh của Đảng còn bắt nguồn từ sức mạnh của thời đại cách mạng mới, thời đại quần chúng vùng dậy đấu tranh dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Sức mạnh ấy còn là sự tiếp nối và phát huy truyền thống anh hùng của lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước:

Thời đại lớn cho ta đôi cánh
Không có gì hơn độc lập, tự do
Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận
Có Đảng ta đây, có Bác Hồ
(Theo chân Bác)

        Đây chính là nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch, làm cho truyền thống quật cường của dân tộc được phát huy. Với tấm lòng biết ơn và niềm tin tưởng, trong "Lời chào Xuân 67", Tố Hữu viết:

Cám ơn Đảng đã cho ta dòng sữa
Bốn ngàn năm chan chứa ân tình
Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, bạo chúa...

        Qua thơ Tố Hữu, chúng ta càng hiểu được công lao to lớn của Đảng. Không chỉ đưa lại "bát cơm, tấm áo" mà còn cả "hương hoa, hồn người". Một đời sống tinh thần hài hòa, phong phú; một trái tim biết căm giận và biết yêu thương... Nhờ vậy, dân tộc ta có sức mạnh thần kỳ để "đi tới và làm nên thắng trận":

Cám ơn Đảng của chúng ta, 
Đảng làm ra ánh sáng
Người chưa đưa ta lên được sao Kim 
Nhưng đã cho ta một linh hồn và một trái tim
Biết lẽ phải, biết yêu thương, căm giận
Biết đi tới và làm nên thắng trận
(Bài ca Xuân 68)

        Qua những vần thơ viết về Đảng, chúng ta thấy từ ngày được "Mặt trận chân lý chói qua tim" cho đến khi viết "Một nhành xuân", Tố Hữu ngày một dâng Đảng nhiều vần thơ thiết tha, nghĩa tình. Từ tình cảm lành mạnh, cao đẹp, công ơn, vẻ đẹp và sức mạnh của Đảng đã được ngợi ca một cách khá toàn diện, sâu lắng tận tâm can. Những vần thơ ấy nhanh chóng gợi niềm đồng cảm rộng rãi, trở thành tiếng ca chung của nhiều người, nhiều thế hệ.

        Xin ngàn lần biết ơn nhà thơ cộng sản Tố Hữu. Nhờ những vần thơ yêu Đảng đã cho thế hệ hậu sanh của chúng tôi sáng mắt, sáng lòng, càng vững tin vào "lý tưởng, niềm tin, mong ước lớn và tình thương ơn nghĩa bao la". Một nén hương lòng tưởng nhớ đến nhà thơ. Chúng tôi nguyện tiếp bước đồng chí, nguyện đi theo con đường Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn và cố gắng xứng đáng là những học trò, là những người học thơ, yêu thơ Tố Hữu.

Phan Công Tuyên
(Báo Thừa Thiên Huế, 14.12.2002)

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn