Không đề của Văn Cao

Con thuyền đi qua
để lại sóng
đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
đoàn người đi qua
để lại bóng
tôi không đi qua tôi
để lại gì?
(TUYỂN TẬP THƠ VIỆT NAM 1975- 2000)

        Thơ cũng như gương mặt người con gái. Có vẻ đẹp trời cho, có vẻ đẹp cha mẹ cho. Có cái đẹp sắc sảo, có cái đẹp thuỳ mị. Một cái nốt ruồi xinh xinh đặt ở đâu đấy trên mặt tạo nên một sự hài hoà, nhưng nếu đặt không đúng chỗ sẽ tạo nên sự phản cảm....

        Thơ hay cũng có nhiều cách: hay vì lời đẹp, hay vì tình nồng, hay vì ý sâu, hay vì ý tưởng mới. Có bài thơ tác giả viết, chữ trào ra đầu bút, bụng dạ như sắp phát cuồng. Có bài thơ đến nhanh như một bài thuộc lòng chép sẵn. Có bài thơ như tự nhiên nhặt được. Có bài thơ là sự chiêm nghiệm một đời, sự đau đớn trăn trở một đời, sự ám ảnh một đời. "Không đề" của nhạc sĩ Văn Cao thuộc loại đó chăng?

        Nghe ra thì thật dễ và tưởng như không có gì:

Con thuyền đi qua
để lại sóng
đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
đoàn người đi qua
để lại bóng

        Có khả năng quan sát đời sống là có thể có được những ý thơ này- ba câu thơ cùng một cách diễn đạt, một mô típ. Ðấy là sự quan sát bằng mắt, bằng tai nhưng đến câu cuối "Tôi không đi qua tôi/ để lại gì?". Chữ "tôi" ở đầu dòng xác định tác giả là chủ thể, chữ "tôi" cuối dòng là bản thể. Chữ "tôi" cuối câu là "nhãn tư", "thần tư" của cả câu và cả bài. Không có chữ "tôi" ấy, bài thơ không có lý do tồn tại.

        Theo cách lý giải đơn giản ở trên "Con thuyền đi qua để lại sóng/ đoàn tàu đi qua để lại tiếng/ đoàn người đi qua để lại bóng..." người đọc sẽ hơi khựng lại một chút khi đọc câu cuối "tôi không đi qua tôi/ để lại gì?" rồi tâm tưởng oà vỡ trong niềm thú vị, cảm thông, gật gù tán thưởng: Văn Cao muốn nói đến đời sống tâm hồn, tình cảm, tư tưởng của người nghệ sĩ mà từ cá nhân mình ngẫm ra, ông đã thấy. Người nghệ sĩ không thể chỉ "đi qua" cuộc đời như con thuyền (cũng đủ để lại sóng!) như con tàu (cũng đủ để lại tiếng) như đoàn người (cũng đủ để lại bóng) mà phải đi qua mình nghĩa là lắng nghe, cảm nhận, sàng lọc, đánh giá, rung cảm, kiểm nghiệm, vật vã với chính lòng mình, tâm can mình mới mong để lại cho đời một chút tinh chất của tài hoa sáng tạo.

        Ðây không phải loại thơ dùng trí thông minh, ngồi một lúc nghĩ ra mà là đã trăn trở, day dứt, ngẫm nghĩ một đời đến một lúc nào đó, câu thơ vọt ra, có lúc người đẻ ra nó, cũng còn thấy bất ngờ, huống chi người đọc!

        Phàm bài thơ hay, câu thơ hay, đọc xong, mình lại thấy không có gì ghê gớm cả, sao mình lại không nghĩ, không cảm, không viết được như thế nhỉ? Bài thơ hay là bài thơ ai cũng thấy là... của mình.

(Lời bình của Nguyễn Bùi Vợi, báo Phụ nữ Việt Nam)

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn