Từ thuần Việt và ngữ cảnh trữ tình trong ca dao
Ðã có người tỉ mỉ thống kê trong số gần 11.000 câu ca dao trữ tình, có tới hơn nửa là những câu ca dao nói về tình yêu đôi lứa; hay gọi là những câu thơ giao duyên.
Hầu hết những câu thơ giao duyên này đều được "tức cảnh sinh tình" trong không gian nông thôn với đặc trưng là cảnh quan thuần nông nghiệp, thuần làng quê, nào đình, chùa, cây đa bến nước, cây cau giàn trầu, nào cá tôm sông nước, lúa mạ hoa quả, trúc tre... Chính vì ngữ cảnh trữ tình trong ca dao như vậy, nên hầu hết cảnh trí, sự vật đều gắn bó thân thiết với người và được gọi tên thuần Việt. Một bài ca dao tình yêu quen thuộc:
"Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra".
Thật là đầy đủ: cây bưởi, vườn cà, hoa tầm xuân, mớ trầu cay, cá cắn câu, chim vào lồng... Không có gì xa lạ với tâm cảm người nông dân, người nhà quê với tình chân quê. Ðiều đáng nói là chính từ cách tư duy, cách nói giàu hình tượng của người Việt nên bao nhiêu ý tưởng, ý tứ đều được nói ra bằng hình ảnh ẩn dụ độc đáo. Thân phận người con gái có chồng thời phong kiến nghiệt ngã lễ giáo tứ đức với tam tòng, được ký gửi vào hình ảnh "chim vào lồng", "cá cắn câu"; việc tỏ tình và quyết định ăn đời ở kiếp của người con trai được hình tượng hoá trong "mớ trầu cay" ngày ăn hỏi. Người nông dân xưa thường quanh quẩn với cuộc sống trong luỹ tre làng, ngoài ruộng trong vườn đời này qua kiếp nọ nên tư duy và tình cảm của họ bao giờ cũng chất phác thuần hậu và cụ thể sinh động. Vui buồn của họ không bao giờ vượt qua giới hạn luỹ tre làng, không bao giờ phải "mượn" đến những tư duy thuần lý, triết lý khô khan. Người con gái đến tuổi kết tóc se tơ vẫn buồn về nỗi cô đơn, vẫn chờ người thương tỏ tình:
"Ðêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai".
Lại là sao trên trời, cá dưới nước, nhện giăng tơ mành khiến người ta liên tưởng đến lưới tình và mối tơ duyên. Ðối với người nông dân Nam bộ mang đặc tính bộc trực và nhiều tinh thần lạc quan vui sống, thì ca dao trữ tình có thể thiếu sự mượt mà, tinh tế nhưng lại giàu tình cảm chân thành; ví như câu thơ phá thể lục bát:
"Ai làm cá bống đi tu
Cá thu nó khóc, cá bống nó rầu
Luỵ rơi hột hột cơ cầu bớ bớ lắm em ơi!"
Ca dao trữ tình, ca dao tình yêu lứa đôi hầu như không thấy từ ngữ nào gốc Hán Việt, hoặc giả có, thì hầu hết đã được "Việt hoá" sử dụng lâu đời, ví như "tầm xuân", "đình"... chẳng hạn. Người Việt xa quê lâu năm ai mà chẳng nhớ làng nhớ nước qua câu ca:
"Qua đình ngả nón trông
đình
Ðình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu".
Cảnh quan thuần Việt, từ ngữ thuần Việt, tình tự thuần Việt, vẻ đẹp ca dao trữ tình là ở đó./.
Hoài Việt
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn