Ðợi chờ

Chắc gì anh đến hôm nay
Mà em cứ đợi, tàn ngày, trắng đêm
Hết đi ra cửa ngóng nhìn
Vào nhà ngồi xuống đứng lên thẫn thờ.

Chắc gì anh đến bây giờ
Trà pha để nguội, nhạt mờ vị hương
Chắc gì?
Mà dạ cứ thương
Cứ day dứt nỗi vấn vương trong lòng
Ðã yêu, yêu đến vô cùng
Ðã thương, thương đến nát lòng vì nhau
Chắc gì?
Ðã chắc gì đâu!
Hôm nay và cả ngày sau
EM CHỜ...

Vũ Thị Khương

Lời bình

        Từ xưa đến nay, văn học Cổ, Kim, Ðông, Tây nói đến sự khắc khoải đợi chờ khá nhiều. Tình yêu cháy bỏng thường đi liền với mong ngóng, đợi chờ là lẽ tất nhiên. Bài thơ Ðợi chờ... của Vũ Thị Khương in trong tập "100 bài thơ tình chọn lọc" do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1997 là một trong những bài như vậy. Bài thơ thể hiện sự đợi chờ đến mòn mỏi theo thời gian, năm tháng của trái tim người phụ nữ đang yêu "nát lòng vì nhau". Ðây là một trong những bài thơ tình đặc sắc của thơ ca Việt Nam.

Chắc gì anh đến hôm nay
Mà em cứ đợi tàn ngày trắng đêm
Hết đi ra cửa ngóng nhìn
Vào nhà ngồi xuống đứng lên thẫn thờ.

        Bài thơ mở ra với tâm trạng băn khoăn dằn vặt đến cháy lòng, cháy dạ - "chắc gì anh đến". Mặc dù có hẹn trước hay không hẹn trước, dù anh có đến hay không đến, tình cảm của em vẫn luôn hướng tới anh, đợi anh đến "tàn ngày trắng đêm".

        Ngay từ đầu bài thơ, thời điểm em đợi chờ đã được xác định "hôm nay". Nói là hôm nay nhưng cũng có thể hiểu hôm nào cũng vậy. Hôm nay là thời điểm mới nhất và cũng là sự mở đầu. Tâm trạng, cử chỉ đợi chờ được tác giả diễn tả rất chính xác: ngóng nhìn, ngồi xuống đứng lên, thẫn thờ... Cách diễn tả này phảng phất màu sắc cách diễn tả của văn học dân gian: "Ra ngõ mà trông, bạn thời không thấy bạn" vừa giản dị, chân thực lại vừa vô cùng sâu sắc.

Chắc gì anh đến bây giờ
Trà pha để nguội, nhạt mờ vị hương
Chắc gì?
Mà dạ cứ thương
Cứ day dứt nỗi vấn vương trong lòng.

        Thời gian đã thu hẹp từ "hôm nay" ở đầu bài thơ nay là "bây giờ". Sự đợi chờ của em đối với anh trải dài theo thời gian năm tháng. Thời gian được thu hẹp và cũng là thu hẹp khoảng cách giữa anh với em.

        Em vốn là người cẩn thận, chu đáo, nhiệt tình, yêu thương anh nhiều, em lại càng cẩn thận, chu đáo nhiệt tình hơn. Cái gạt tàn trên bàn không một đốm thuốc cháy đỏ. Em chuẩn bị pha trà sẵn để đợi anh hương đã lạnh, nước đã nguội từ bao giờ, chỉ có tình em với sự đợi chờ anh là không bao giờ nguội lạnh.

        Ðợi chờ... của Vũ Thị Khương được sáng tác bằng thể thơ lục bát. Ðiều đáng chú ý là nhà thơ có dụng ý nghệ thuật khi tách câu 6 tiếng thành 2 dòng thơ

Chắc gì?
Mà dạ cứ thương
Cứ day dứt nỗi vấn vương trong lòng.

        Câu hỏi "Chắc gì?" xoáy sâu vào lòng người đọc. Câu hỏi này như có điều gì vừa hy vọng lại vừa thất vọng, vừa yêu thương lại pha chút giận hờn dịu dàng.

        Nhiều người cho rằng phụ nữ là phái yếu, phái đẹp. Ðiều đó hiển nhiên rồi! Nhưng phụ nữ quyết không phải là phái yếu. Nói cách khác phụ nữ là phái mạnh trong cái vẻ bề ngoài hồn nhiên dịu dàng mà mọi người tưởng là yếu đuối. Ðể diễn đạt sự sâu sắc, mạnh mẽ tình cảm của người phụ nữ có lẽ khó có cách diễn đạt nào hơn:

Ðã yêu, yêu đến vô cùng
Ðã thương thương đến nát lòng vì nhau.

        Tình yêu thương của con người thuộc phạm trù trừu tượng. Tác giả đã thành công trong việc diễn tả phạm trù trừu tượng trở nên cụ thể nhất để người đọc dễ hình dung, dễ cảm nhận.

        Cặp lục bát kết thúc bài thơ:

Chắc gì?
Ðã chắc gì đâu!
Hôm nay và cả ngày sau
Em chờ...

        Một lần nữa câu hỏi chắc gì được lập lại. Viết và đọc như nhau, nhưng lần này câu hỏi đã mang nội dung ý nghĩa khác. Theo tôi câu hỏi lần này nghiêng về hướng khẳng định, giải thích, phân bua. Và cũng chính vì thế mà trái tim người phụ nữ trở nên nhân văn và vị tha hơn. Phải chăng em muốn phân bua điều này: Anh không đến được với em "hôm nay" hay "bây giờ" chắc anh bận công việc chung nhiều lắm. Em không thể tin và không bao giờ tin anh đã thay lòng đổi dạ, phai nhạt đối với em. Anh không đến với em "hôm nay" hoặc ngay "bây giờ" nhưng thời gian còn dài, anh sẽ đến với em bằng cả cuộc đời.

        Một lần nữa câu 6 tiếng và lần này thêm câu 8 tiếng được tách thành hai dòng thơ, sự sáng tạo này đã đạt được hiệu quả nghệ thuật cao. Lời như nghẹn ngào, quặn thắt, hờn dỗi lại vừa khẳng định mạnh mẽ như dao chém đá: "Em chờ...".

        Nhan đề bài thơ là "Ðợi chờ..." câu kết là "Em chờ..." Bài thơ được kết cấu theo lối vòng tròn khép kín để nhằm tập trung thể hiện tình yêu son sắc thuỷ chung trước sau như một của người phụ nữ.

        Vũ Thị Khương đã vận dụng linh hoạt thể thơ lục bát, chứng tỏ tác giả đã có nhiều suy nghĩ, dụng công để đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất.

        Tình cảm của người phụ nữ đang yêu trong thơ Vũ Thị Khương vừa kín đáo, tế nhị, dịu dàng, lại vừa sôi nổi mạnh mẽ và vô cùng sâu sắc./.

Nguyễn Ðức Tâm

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn