dientich.gif (11346 bytes)

Từ Thức

            Người từ tứ phương rủ nhau đến huyện Tiên Du đông như trẩy hội. Trong vườn chùa, một cây mẫu đơn nở những bông hoa tươi thắm, lả lướt như những thiếu nữ mơn mởn. Hương thơm dìu dịu toả khắp vườn nhà chùa. Bỗng một tiếng "rắc", rồi mấy tiếng "ối" khe khẽ: một cành hoa gãy. Một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần vừa vịn một cành mẫu đơn, cành gãy; đôi mắt to và đen ngơ ngác, rồi lo sợ. Chú tiểu đứng coi hoa chạy như bay vào chùa, và tức khắc một sư cụ chống gậy bước ra rất nhanh theo chú tiểu. Nhà sư túm lấy vạt áo thiếu nữ, nói một mạch: "Cô phải đền, cô phải đền bông hoa này, trời ơi, bông hoa mẫu đơn đẹp nhất gãy rồi, cô không về được đâu, cô phải đền nhà chùa". Cô gái đẹp thất sắc, không nói được một lời. Mấy người nhìn cô ái ngại, chép miệng rồi bỏ đi. Cô chẳng mang tiền trong túi áo, cô không biết thế nào, cô chẳng mong gặp được người quen để nhờ vả, bởi vì cô ở xa, xa lắm... Chiều gần tàn. Cô bồi hồi, cô thương thân, nước mắt chảy quanh. Bỗng một chàng trẻ tuổi thơ thẩn đến gốc mẫu đơn ngắm hoa; chàng chợt thấy nhà sư nắm vạt áo cô bé, cô bé thì long lanh nước mắt. Hỏi chuyện nhà sư xong, chẳng do dự, chàng cởi tấm áo lông cừu trắng như tuyết của chàng, đưa nhà sư. Nhà sư mừng hớn hở, buông áo thiếu nữ, ngạc nhiên nhìn chàng trẻ tuổi rồi mang áo quý, chạy vào chùa. Thiếu nữ đỏ ửng má, đôi mắt đen láy nhìn chàng cảm tạ rồi rảo bước. Trời sắp tối.

            Năm tháng trôi qua. Chàng trẻ tuổi tên là Từ Thức, ngày ấy làm quan tri huyện Tiên Du. Chàng vốn là một văn nhân tài tử, yêu thích cảnh đẹp, mê say cảnh núi non, hang động, nên chàng đã từ quan, lang thang nay đây, mai đó. Một hôm, chàng thấy trước mặt một vách núi dựng đứng; dưới chân núi, một dòng suối; trên bờ suối, mấy gốc mai già. Cảnh giống hệt như bức tranh thuỷ mặc Trung Hoa. Chàng men theo dòng suối, bỗng thấy một cái hang nhỏ. Chàng bước qua cửa hang: một cái động tuyệt đẹp, đá lấp lánh đủ sắc màu; những giọt nước rơi tạo thành một bản nhạc mơ hồ. Phía bên trong động có nắng dịu. Chàng bước tiếp trên con đường đá hoa cương, giữa hai hàng trúc thân ngà tròn trĩnh. Hai người con gái thướt tha xiêm nghê cúi chào chàng, miệng hoa nói: "Xin công tử quá bộ vào chào Phu nhân, bà chúa động tiên này". Từ Thức lạ lùng chào rồi bước theo hai cô tiên. Nhác thấy chàng, Phu nhân ra đón, nét mặt hiền hậu và niềm nở. Bà mời Từ Thức vào nhà, rồi nhẹ nhàng quay đầu gọi vào phòng bên: "Giáng Hương, con!". Có tiếng "Dạ!" rồi một thiếu nữ bước ra trong hào quang. Chàng hết sức kinh ngạc: Giáng Hương, chính là cô bé vịn gãy cành mẫu đơn năm xưa. Phu nhân nói: "Công tử nhận ra em rồi đó; ngày ấy không gặp công tử thì không biết em nó sẽ thế nào". Từ Thức, lòng tràn ngập niềm vui bất ngờ, ngây người một lúc lâu. Giáng Hương hôm nay linh hoạt, vui tươi; hai con mắt to, đen có khi tinh nghịch. Ðôi trai gái e thẹn nhìn nhau. Khi hai người say mê nhau, Phu nhân cho làm lễ cưới. Một năm gắn bó, thương yêu nồng nàn trôi qua. Từ Thức chưa khuây lòng trần; chàng nhớ nhà, nhớ quê hương da diết. Một hôm, chàng đánh bạo nói tâm trạng sâu kín với người yêu, Giáng Hương buồn bã thưa lại với mẹ. Phu nhân bằng lòng cho chàng trở lại trần gian. Bà bảo Giáng Hương đưa chàng ra tận ngoài cửa động. Nàng khóc rồi đưa chàng một phong thư. Về đến thôn xóm cũ, chàng ngồi xuống gốc đa, mở thư ra đọc. Ôi! bức thư vĩnh biệt, sau này hai người chẳng thể gặp nhau. Chàng vào thôn, tìm nhà cũ, nhiều cảnh đã đổi thay. Chàng gặp toàn người lạ. Không một ai biết chàng. Chàng vào nhà một cụ già, xưng tên mình. Ông cụ "à" một tiếng rồi bảo "Ðúng.. vâng, đúng, khi tôi còn nhỏ, ông bà nhà tôi kể lại nhà tôi có một cụ tên là Từ Thức một hôm đi vào núi, rồi mất tích. Chẳng biết bây giờ cụ còn sống hay đã quy tiên... Vâng, hơn sáu mươi năm rồi còn gì". Nói xong, cụ thở dài. Từ Thức ngao ngán cả người. Chàng lấy nón đội, chào ông cụ rồi trở lại đường cũ. Chàng vào núi và không bao giờ chàng trở ra nữa.

            Câu chuyện này xảy ra đời Trần, động tiên còn gọi là "Ðộng Từ Thức", ở tỉnh Thanh Hoá (Việt Nam), có nghĩa là cõi tiên mơ ước

"Từ lang chớ để lạc vào non tiên..."
(Bích Câu kỳ ngộ)

(theo Ðiển tích văn học- NXB Giáo dục 1996)

 

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

 


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn