¤NG DÓNG
Trong tình cảm người Việt Nam, hình ảnh "ông Dóng" dẹp xong giặc xâm lược, cưỡi ngựa bay về trời, không nhận chức tước, quyền hành, thật đẹp đẽ trong sáng biết bao. Hình ảnh ấy đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa, đúng hơn, nó lẫn trong hồn thiêng sông núi:
Vệ Linh cây cỏ lấn mây ngàn
Muôn tía ngàn hồng rỡ thế gian
Ngựa sắt bay rồi, tên còn đó,
Anh hùng sống mãi với giang san.Bài thơ do Ngô Chi Lan, người con gái xã Phù Lỗ (đời nhà Lê) đề trên núi Vệ Linh chứng tỏ nhân dân ta thật công bằng ghi công những người con yêu dấu đã cứu dân tộc khỏi hoạ xâm lăng.
Chuyện kể ngày xưa, giặc Ân tràn sang nước ta. Vua Hùng lo lắng sai sứ giả đi khắp nước cầu hiền tài đánh giặc. Sứ giả lặn lội, khi qua rừng, lúc qua sông suối, đồng bằng, truyền hịch. Một hôm, ông qua làng Phù Ðổng (huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh). Nghe tiếng hịch truyền, một bà mẹ thở dài: "Thằng con trai mình ba tuổi rồi mà chỉ nằm suốt ngày, chẳng nói chẳng cười, mong gì chuyện đánh giặc".
Nghe mẹ nói vậy, đột nhiên chú bé nói rành rọt:
- Mẹ gọi sứ giả vào đây.
Người mẹ kinh hoàng trước sự lạ, chạy đi kể với xóm giềng. Dân làng nghe nói vậy rất mừng, mời ngay sứ giả tới. Nhìn cậu bé còn nằm ngửa trên giường, sứ giả bực tức quát:
- Mày là đứa trẻ ranh mới biết nói, mời ta tới đây làm gì?
Ðứa bé ngồi dậy:
- Ông đừng khinh ta bé, mau về tâu với vua rèn một bộ giáp sắt, một con ngựa sắt cao mười tám thước, một thanh sắt dài bảy thước, một roi sắt và một nón sắt. Ta sẽ cưỡi ngựa, đội nón đi đánh giặc. Vua không phải lo sợ gì nữa.
Sứ giả về tâu vua. Vua nửa mừng nửa sợ. Vua nhớ lại ba năm trước, biết phương Bắc có ý đồ xâm lược, vua lập đàn cầu Long Quân. Trời nổi cơn dông, mưa ào ào, gió rít từng cơn, một cụ già cao chín thước, mặt vàng, bụng lớn, râu bạc như cước, ngồi ở giữa đường cười, nói, ca múa. Vua vái lạy và rước ông cụ vào cung. Vua hỏi:
- Nghe tin quân Bắc sắp sang xâm lược, ta thua hay được? Xin ngài bảo giúp.
- Ba năm nữa giặc sẽ sang, phải rèn vũ khí, tinh luyện binh sĩ mà giữ nước. Lại phải tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ.
Nghĩ đến chuyện xưa, vua hết lo. Nhưng quần thần bàn ra tán vào: "Một thằng bé con làm sao đánh được giặc?"
Vua nổi giận:
-Lời Long Quân ngày trước không phải chuyện thường, các ngươi chớ có nghi ngờ, mau đi tìm đủ sắt luyện thành ngựa, kiếm, roi và nón.
Chẳng bao lâu, sứ giả mang ngựa sắt, roi sắt, nón sắt đến, người mẹ sợ hãi bảo con:
- Tai họa đã đến, con ơi!
Cậu bé mỉm cười:
- Xin mẹ đừng lo, mẹ hãy đưa nhiều cơm rượu cho con ăn.
Bà mẹ mừng lo lẫn lộn, chăm chút cho chú bé ăn nhiều, uống nhiều, chú lớn nhanh như thổi. Dân làng đưa gạo, rượu, thịt, hoa quả đến... Chú ăn rất nhiều, ăn mãi. Chú hoá thành một chàng trai to lớn lạ thường, bao nhiêu vải lụa quấn vẫn không kín thân.
Nghe nói giặc Ân kéo đến chân núi Trân Sơn ở Vũ Ninh, chàng trai bỗng vươn mình đứng dậy cao hơn mười trượng, ngửa mặt, hắt hơi liền mấy tiếng, rút kiếm thét:
- Ta là Thiên tướng đây!
Chàng đội nón, cưỡi ngựa xông ra trận. Chàng đến đâu, vó ngựa tung hành, đường kiếm vung lấp loáng, nơi đó xác giặc tơi bời. Ðến vùng Gia Lộc, chàng nhổ cả tre ngà làm vũ khí đánh giặc. Ân vương chết trận. Giặc Ân kéo cờ hàng, tháo chạy về nước. Thiên tướng đi tới Sóc Sơn, huyện Kim Hoa, cởi áo giáp, nhìn lại quê hương thân thương, vái lạy mẹ và cưỡi ngựa bay về Trời. Hôm đó là ngày mồng chín tháng tư.
Hùng Vương và dân làng nhớ công ơn chàng, lập miếu thờ ngay trên gian nhà xưa, trong làng nhỏ. Vua Lý Thái Tổ lập miếu ở làng Phù Ðổng cạnh chùa Kiến Sơ và sai tạc tượng chàng trên núi Vệ Linh. Nhân dân đời nay sang đời khác, gọi chàng bằng hai chữ thân thương "ông Dóng".
"Ông Dóng" đã bay về Trời nhưng hồn ông còn ở khắp núi sông. Nay từ vùng Bắc Ninh sang các huyện Ðông Anh, Ða Phúc còn lại các ao chuôm sóng đôi nhau, nhân dân truyền tụng đó là dấu chân ngựa của "ông Dóng". Vùng Gia Lộc, Hải Hưng còn những bụi tre ngà giữa cánh đồng, đó là tre của đức Thánh Dóng đánh giặc Ân, một "ông Dóng" hy sinh tất cả đời mình cho dân tộc, không hưởng vinh hoa, không nhận quyền lực, cao thượng biết bao "ông Dóng" của nhân dân ta!
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn