Ðọc lại bài thơ "Cảnh rừng Việt Bắc" của Bác Hồ

Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày
Khách đến thì mời ngô nếp nướng
Săn về thường chén thịt rừng quay
Non xanh nước biếc tha hồ dạo
Rượu ngọt chè tươi mặc sức say
Kháng chiến thành công ta trở lại
Trăng xưa, hạt cũ với xuân này

1947

        Có những bài thơ hay, chúng ta đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn thấy tươi mới, vẫn thấy cảm hứng như mới đọc lần đầu. "Cảnh rừng Việt Bắc" là một bài như vậy.

        Bác Hồ viết bài này vào năm 1947, năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Dẫu bận trăm công nghìn việc trong lúc toàn tâm toàn ý lãnh đạo kháng chiến, Bác vẫn giữ vững tư thế ung dung thư thái của một nhà thơ hiền triết, có phảng phất như phong thái của những nhà thơ Việt Nam xưa: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Nhân Tông...

        Ung dung thư thái, hồn thơ hoà hợp với thiên nhiên, nghe âm thanh thiên nhiên qua tiếng "vượn hót chim kêu".

        Cuộc sống bình dị, thưởng thức những món ăn quê hương, rừng núi "ngô nếp nướng, thịt rừng quay"

        Trong câu thơ thứ tư, Bác dùng chữ "chén" thay cho chữ "ăn". Nghe thân mật mà có thoáng nét cười. Chúng ta mỗi khi vui bạn thường rủ bạn đi "chén" một chút gì cho thêm vui.

        Câu thơ thứ năm càng thể hiện rõ sự ung dung, thư thái dạo gót ngắm cảnh thiên nhiên: non xanh nước biếc. Chính những lúc dạo gót như vậy, đầu óc rất thanh thản minh mẫn, có thể nảy ra những ý nghĩ hay, đẹp.

        Tiếp theo tứ thơ đó là một tứ thơ tuyệt vời thoải mái:

Rượu ngọt chè tươi mặc sức say

        Chè tươi có thể say đã đành, đến rượu ngọt là Bác nói vui thế thôi, chứ trong thực tế Bác không phải là người hay rượu. Trong thơ Bác, đôi khi có thoáng chữ "rượu" nhưng cũng chỉ là biểu tượng để nói về men thơ, chứ không phải là "rượu" thực thể.

        Kết thúc bài thơ, thi tứ lại càng tươi vui và bay bổng. Nghĩ đến ngày kháng chiến thành công, Bác dự cảm trở lại "Cảnh rừng Việt Bắc", sẽ gặp lại trăng rừng núi, xuân rừng núi như những cố nhân, và gặp lại chim hạc, loài chim huyền ảo gợi cảnh thần tiên.

        Thế là bài thơ có thể ví như một cuộc "du sơn", nhà thơ lên núi, lên cao dần, càng lên càng "say" và lên đến đỉnh thì đã tiếp cận với một cõi siêu phàm.

(Trần Lê Văn- tháng 5/2000)

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn