Tình cảm trong thơ
Bài thơ Con cóc được xem là bài thơ vào loại dở nhất:
Ta thử tìm hiểu xem vì sao?
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi...
Trong những nguyên nhân làm bài thơ không hay có nguyên nhân này: bài thơ không có tình.
Người đọc thấy dửng dưng như đứng ngoài bài thơ - Và như thế là do khi viết, tác giả (vô danh) cũng không có rung động gì.
Mà người ta lại thường bảo: người viết phải rung động gấp năm lần mới hòng truyền cho người đọc được một lần.
Nhưng vì đâu mà bài thơ không có tình tác giả (vô danh) lại không rung động khi viết nó?
Bài thơ có ba nhân vật: con cóc, cái hang và tác giả (vô danh và không xuất hiện).
Như vậy có thể có ít nhất hai mối quan hệ tình cảm sau đây: giữa con cóc và cái hang, giữa tác giả và con cóc.
Giá tác giả phát hiện được hai mối quan hệ này, thì có thể tác giả sẽ tưởng tượng ra hai cái cảnh sau đây, và viết nên hai ý thơ, câu thơ sau đây:
1- Con cóc ngồi đó
Quay lại nhìn hang
Con cóc nhảy đi
Quay lại nhìn hang vì trước khi chia tay với cái hang mình đã
ở, cóc cũng cảm thấy lưu luyến (cái tình là ở chút lưu luyến này (quan hệ
tìm cảm giữa con cóc và cái hang)
2. Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi
Nhảy đi, tìm ai?
Nhảy đi tìm ai? Nói lên tình cảm giữa tác giả
với con cóc vì thấy cóc cô độc quá đâm ra thương mến (quan hệ
tình cảm giữa tác giả và cóc)
*
Trong bốn câu thơ sau đây, trích trong bài Con chim chiền chiện của Huy Cận:
Bay cao, cao vút
Chim biến mất rồi
Chỉ còn tiếng hót
Làm xanh da trời
Cho ta thấy tác giả đã có một phát hiện tài tình và lý thú: mối quan hệ tình cảm giữa tiếng hót con chim chiền chiện và mầu xanh da trời.
Ai cũng từng nghe và nhìn chiền chiện hót, nhưng chỉ có Huy Cận phát hiện ra mối quan hệ này và viết nên những câu thơ hay, đẹp như vậy.
Bài thơ gợi cho người đọc một tình cảm yêu thương mông mênh như trời và đất.
*
Trong một câu thôi của Truyện Kiều
Dập dìu lá gió, cành chim
Nguyễn Du đã phát hiện ra mối quan hệ tình cảm giữa lá và gió, cành và chim có nghĩa là:
Gió muốn lay hướng nào, lá sẽ quay theo hướng ấy, chim muốn đậu lên cành cách nào, thì cành cũng đành phải chiều theo chim cách ấy.
Lá và cành ở đây là nàng Kiều, còn gió và chim là khách làng chơi.
Chỉ sáu chữ, Nguyễn Du đã bày tỏ được hết lòng mình đối với nỗi đau số phận nàng Kiều. Khi nàng phải sống ở lầu xanh của Tú Bà và viết bài Khốc hoàng thiên đến Tú Bà đọc cũng phải bật lên khóc. Ngoài tình cảm sâu sắc ấy, Nguyễn Du lại còn tìm được một cách diễn đạt thật hàm súc, và trang nhã buộc người đọc cũng phải động óc mới hiểu được, mà khi hiểu được thì thấy thích thú vô cùng.
*
Có phải trong nghề thơ, việc phát hiện ra những mối quan hệ tình cảm giữa những "nhân vật" trong bài thơ là một điều quan trọng?
Và có phải chính điều đó đã góp phần tạo nên tình cảm cho câu thơ, bài thơ?
Mà không có tình cảm thì khó có thơ đấy. Xuân Diệu đã chẳng nói: Cuối cùng của một bài thơ là tình cảm đó sao!
PHẠM HỔ
(Văn nghệ trẻ)
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn