Mảnh vá trên vai

Anh không nhận ra mảnh vá ấy đâu
Nếu em đừng trẻ trung đến thế
Em hồn nhiên qua đường qua phố
Trên vai gầy kín đáo đường kim

Tuổi hai mươi đang độ làm duyên
Nhà đông em nên quen dần áo vá
Cân gạo, mớ rau mỗi ngày một giá
Lương lĩnh về giật gấu vá vai

Đi qua bao niềm vui trên đời
Gặp mảnh vá vai em
Sao nỡ chạm đầu kim nhói buốt

Đôi vai ấy dáng gầy thân thuộc
Mảnh vá đè gánh nặng lo toan
Em qua ngã ba, em rẽ sang đường
Anh bước vội như người có lỗi

Nhưng mảnh vá theo anh trên mọi lối
Giữa lòng mình ngõ phố cứ mông lung
Giá em đừng trẻ trung
Anh đâu phải băn khoăn nhiều đến thế

Mảnh vá đã một đời lưng mẹ
Sao bây giờ còn nỡ vịn vai em?
Anh mặc áo lành đi giữa phố đông chen
Mảnh vá ấy đốt lòng như vết bỏng.

Bài thơ được đăng trên báo Phụ nữ Việt Nam, số ra ngày 5/11/1985, ở vị trí rất bình thường. Nếu không đọc kỹ, bài này cũng dễ bị lướt qua.

Từ mảnh vá trên vai áo của cô gái, Tô Đông Hải đã nói đến bao điều uẩn khúc ưu tư đời thường. Qua đó, đem đến cho người đọc một nhận thức, một quan niệm nhân sinh, một trách nhiệm cần phải làm gì để trong xã hội ta không còn mảnh vá nghèo khổ ấy nữa.

Anh không nhận ra mảnh vá ấy đâu
Nếu em đừng trẻ trung đến thế
Em hồn nhiên qua đường qua phố
Trên vai gầy kín đáo đường kim

Vì em còn trẻ trung, hơn nữa lại trẻ trung đến thế, lẽ dĩ nhiên là em xinh đẹp và đáng yêu mà ra đường lại mặc áo vá, thì điều đó làm anh rất ngạc nhiên.

Tuổi hai mươi đang độ làm duyên, là cái tuổi mà bất cứ cô gái nào cũng muốn làm đẹp, thế sao em không nghĩ làm đẹp cho mình? Tiếp theo là sự giải đáp câu hỏi, vì nhà đông em nên quen quần áo vá. Cái sự quen quần áo của người chị nhường sự lành lặn cho đàn em đã là điều bình thường của em rồi. Thực tế, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày với cân gạo, mớ rau... giá cả lên xuống bất thường so với đồng lương của người lao động trong lúc đất nước còn khó khăn quả là phải giật gấu vá vai không thể nào khác được. Chính điều này đã làm anh quí trọng em hơn.

Đi qua bao niềm vui trên đời
Gặp mảnh vá vai em
Sao nỡ chạm đầu kim nhói buốt

Anh cảm thấy niềm vui trong cuộc sống mà mình được hưởng như là một nguyên nhân gián tiếp đưa đến mảnh vá vai em. Anh thật sự ân hận, một nỗi ân hận đến nhói buốt như mũi kim chích vào da thịt mình. Cũng vì thế mà em trở nên thân thuộc với anh hơn, anh đồng cảm sâu sắc với em về mảnh vá đè gánh nặng lo toan mà em chịu đựng.

Đến đây, ý thơ được phát triển thêm một nấc mới trong mạch cảm xúc:

Giá em đừng trẻ trung
Anh đâu phải băn khoăn nhiều đến thế
Mảnh vá đã một đời lưng mẹ
Sao bây giờ còn nỡ vịn vai em?

Khổ thơ trên là cốt lõi của cả bài mà hai câu: "Mảnh vá đã một đời lưng mẹ - Sao bây giờ còn nỡ vịn vai em?" là tâm điểm, được sức mạnh cả bài dồn nén lại. Lời thơ thật giản dị, nhưng giàu sức gợi. Đó là sự chiêm nghiệm cuộc sống. Đó là cách nói hay nhất, đọng nhất về nỗi trăn trở trước sự đeo đẳng của cái khổ, cái nghèo mà xã hội ta đang phấn đấu xoá bỏ. Mảnh vá trên vai là bài thơ có tứ hay./.

Minh Quang

 

 

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn