Lòng thấy giăng tơ một mối tình

        Nguyễn Bính là nhà thơ của "hồn quê", "chân quê" trọn vẹn nhất. Thơ ông gợi về một không gian- thời gian văn hóa làng quê không bao giờ phai mờ trong tâm thức người Việt, dù cuộc sống có đổi thay, tình cảm có khác xưa ít nhiều.

        Mưa xuân là một trong rất nhiều bài thơ hay tiêu biểu cho chất thơ "quê kiểng" ấy của Nguyễn Bính. Bài thơ là một câu chuyện giàu lòng biểu cảm, khát khao của một cô gái quê "thời trước" tự mình ước mơ, thổ lộ pha lẫn trách hờn thầm kín một cách chân thật nhưng đón nhận trái ngang.

        Nhân vật trữ tình là Em- chủ thể sự biểu hiện. Ngoài ra, còn có các nhân vật duyên cơ gián tiếp tô đậm tâm trạng sau lời sự thật của cô gái, đó là Mẹ, Anh và giường cửi, thoi ngà- sự vận nhân hóa.

        Thời gian của bài thơ là đầu mùa xuân lúc mưa bụi bay, lúc "Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ", cũng là lúc "Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy", kéo dài đến cuối xuân "Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày", lúc "mưa xuân đã ngại bay" "Hoa xuân đã nát dưới chân giày". Không gian của bài thơ là thôn Đoài, và dĩ nhiên là trong liên tưởng ẩn dụ của người đọc sẽ có thôn Đông- hai hình ảnh quen thuộc trong thơ Nguyễn Bính, nơi có cô gái luôn ngồi bên khung cửi. Hai thôn "cách có một thôi đê". Giữa hai khoảng không- thời gian hữu hình và vô hình này là khát vọng tình yêu ngân lên không dứt, tạo thành kiểu không gian và thời gian tâm trạng giàu biến thái của cô gái khi giữa ước mơ và hiện thực có sự bất ổn, so le.

        Nguyễn Bính rất tài hoa khi dựng cảnh cho thơ. Cảnh hòa vào tâm trạng, tác động tình cảm, tính cách của cô gái.

        Đu bài thơ, ta bắt gặp một thôn nữ trẻ đẹp, nết na, nề nếp:

Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

        Sau lời tự giới thiệu ấy, tác giả để cho cô gái tự mình biểu lộ và giải bày với các trạng thái khát khao, rạo rực, chiêm bao, buồn nhớ, trách hờn và trở lại với trạng thái ước ao ban đầu "Bao giờ em mới gặp anh đây?".

        Thời điểm báo mùa thật đẹp của thiên nhiên qua hình ảnh "mưa xuân phơi phới bay- Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy" lại chính là dịp con người làng quê vui với hội lễ truyền thống. "Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ" là sự kiện để con người thức nhận thời gian. Và chi tiết hay nhất của khổ thơ này chính là ở chỗ người mẹ đánh thức tâm lý cho con gái mình: "Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay". Thật ra, nếu mẹ không nhắc thì cô gái cũng thấy chờ từ lâu rồi! Cho nên khổ thơ tiếp theo là cả một niềm rạo rực:

Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh.

        "Lòng thấy giăng tơ một mối tình" đi với các từ "hình như", "có lẽ" rất đạt, đó là cách chữa thẹn nhưng giấu đuôi hở đầu. Lòng nghĩ về anh là có thật đấy rồi! Trong sự nôn nao, vui mừng, cô gái nghĩ về anh: "Thế nào anh ấy chả sang xem". Thời gian được tính bằng thời gian khách quan, nhưng chính thời gian tâm lý choán kín tâm hồn cô gái "Bốn bề hàng xóm đã lên đèn- Em ngửa bàn tay trước mái hiên- Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh" thì đủ biết nỗi hồi hộp, chờ mong để được gặp người thương trong cô gái là thật biết bao nhiêu! Từ "ngửa bàn tay" đến mưa "chấm bàn tay từng chấm lạnh" là sự không gian hóa, hình ảnh hóa tâm lý của cô gái. Vì vậy, khổ thơ sau là cụ thể hóa hành động, khiến cho không- thời gian khách quan cũng như ngắn lại: "Thôn Đoài cách có một thôi đê". Vì "vội vàng đi" nên "em không ướt áo" cũng là cách nói vì trái với câu trên "Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh". Đến đây, phải nói rằng, sự rạo rực thầm kín của cô gái đã không giấu được ai. Và khổ thơ sau đã rõ: "Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm- Em mãi tìm anh chả thiết xem". Mong tìm gặp anh là chính. Chủ động từ đầu đến cuối, vậy mà anh đã không sang dù hát đã thâu đêm, bảo sao lòng em không buồn trách, bỗng Nguyễn Bính chen vào hai câu thơ tưởng như lạc lõng, nhưng thật ra, giàu hàm ngôn: vừa xót xa, vừa tủi hờn. Mượn vật để nói tình thì quả là sâu sắc và tâm trạng lắm: "Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh- Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em". Đỉnh điểm của sự thất vọng. Một tâm lý khác xuất hiện, đối lập với sự hồi hộp, tin yêu trước đó. Nỗi cô đơn đã làm cho không- thời gian như dài ra và mưa như nặng hạt, ướt cả áo mỏng che đầu, tủi với canh khuya lạnh lẽo.

Mình em lầm lụi trên đuờng về
Có ngắn gì đâu một dải đê
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt 
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya.

        Một vòng tròn thời gian, một vòng quay tâm lý đã kết thúc. Bởi kết cục bẽ bàng đã hiện ra từ phía chàng trai: đưa đẩy, hững hờ, lỗi hẹn; cũng có thể là vô tâm, lạnh nhạt. Nhưng dù gì thì cũng đáng trách, không xứng đáng với nỗi lòng cô gái:

Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng.

        Nhỡ nhàng nhưng chưa phải là vô vọng, bởi trong tình yêu, có vô vàn duyên cớ để được trách móc lẫn cảm thông. Cuối bài thơ, hình ảnh người Mẹ lại xuất hiện gián tiếp nhưng có sức lay động mạnh. Từ "Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay" đến "Mẹ bảo: Mùa xuân đã cạn ngày" là một dồn nén tâm lý, là sự phôi phai của tình huống và cảnh vật "mưa xuân đã ngại bay", "hoa xoan đã nát dưới chân giày", hội chèo đã vãng dù thời gian khách quan vẫn chỉ là "bữa ấy". Dường như tất cả sức năng động của khổ thơ chuyển vào bên trong tâm hồn cô gái trong trắng, đa cảm, để rồi liền sau đó, nó chuyển sang ngay một niềm tin mới dù bất định và mơ hồ với những câu hỏi không có sự giả lời từ phía chàng trai:

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ thôn Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng: hát tối nay?

        "Bao giờ", "bao giờ" lặp lại một tình cảm thiết tha và gấp gáp lắm. Một năm, có một mùa xuân, và có hội Đặng đi ngang ngõ trở thành đằng đẵng trong sự mong đợi từng phút, từng ngày của cô gái và cả trong lòng nguời Mẹ yêu con, thấy hiểu tâm trạng của con và cũng không chỉ thế, nó lan sang nỗi niềm cảm thông, nội cảm của người đọc.

        Với Mưa xuân, Nguyễn Bính đã diễn tả một cách nghệ thuật hành trình tâm trạng của một cô gái chân quê ngày trước: e ấp thẹn thùng nhưng không kém phần đam mê, rạo rực trước tình yêu, trước mùa xuân đẹp. Và với một ý nghĩ nhân ái nhất định, Mưa xuân vẫn hấp dẫn và nhắc nhủ bao mối tình thơ mộng của tuổi trẻ hôm nay hướng về hồn quê, chân quê yêu dấu của một thời chưa xa vắng trong tâm hồn người Việt.

(Hồ Thế Hà- báo TTHuế 20.1.2003)

 

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn