NGUYỄN Duy và
VẦNG TRĂNG TRI KỶ

            Từ cổ chí kim, các thi nhân đều lấy trăng để làm người bạn, người tình; kẻ thì tri âm, người thì tri kỷ. Trăng là người độc hành vĩnh hằng của trái đất, là người bạn thơ bất diệt của các thi sĩ.

            Nguyễn Duy không nằm ngoài quỹ đạo đó. Anh cũng thừa nhận người bạn của cổ nhân, bạn của hậu thế đồng thời cũng là bạn của mình.

Trần trụi với thiên nhiên
Hồn nhiên như cây cỏ
Ngỡ không bao giờ quên
Cái vầng trăng tình nghĩa.

Người ta từng gọi trăng là Liêu Trai, trăng là Chị Hằng... Nhưng ở đây lại thấy trăng là điều có thật, trần trụi hiển nhiên như sự tồn tại của con người. "Cái vầng trăng tình nghĩa" hồn nhiên ấy khiến cho người thi sĩ không thể quên. Ðôi khi người ấy tưởng rằng quên, nhưng không phải thế, người ấy đã sống cùng trăng, bầu bạn cùng trăng trong suốt một chặng đời dài:

Hồi nhỏ sống với đồng
Với sông rồi với bể
Hồi chiến tranh ở rừng
Vầng trăng thành tri kỷ

Giữa cái tĩnh lặng của rừng đêm, nhà thơ- chiến sĩ nhận ra sự vĩnh hằng của tự nhiên mới là tri kỷ. Một bài thơ không mơ mộng, không lãng mạn; một vầng trăng không tô điểm bằng cách khoác lên mình thứ ngôn ngữ váy áo xênh xang. Ðó là trăng của Nguyễn Duy.

            Nhà thơ Hồ Chí Minh đã viết:

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

            Cũng trăng ấy, nhưng cảnh khác Hàn Mặc Tử lại viết:

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Ðợi gió đông về để lả lơi

Vậy là đã có một vầng trăng trang trọng và một vầng trăng lúng liếng... hay không? Ðiều ấy chỉ có nhà thơ mới biết, mới cảm nhận được. Hãy nghe Nguyễn Duy tâm sự:

Từ hồi về thành phố
Quen ánh điện cửa gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường.

Thơ như không thơ. Ðó là phong cách của Nguyễn. Chuyển sang khổ thơ này, thì lại có một biến động khác. Từ ánh le lói bàng bạc của trăng rừng đến sức cuốn hút phi thường của những "ánh điện cửa gương" đối với những con người còn lạ lẫm với cuộc sống hiện đại. Những người tri kỹ lặng lẽ đi qua nhau hờ hững và vô tình. Tưởng thế là chấm dứt, nhưng lại có những cơn va quệt khác trong tư tưởng:

Thình lình đèn điện tắt
Phòng Buynđinh tối om
Vội lật tung cửa sổ
Ðột ngột vầng trăng tròn

Bằng một hình ảnh xuất hiện đột ngột khi mọi thứ đã tắt lịm. Vầng trăng hiện ra như một người bạn biết ta đang cần đến họ. Lặng lẽ và chân tình. Quá khứ đã đi qua, gian lao đã lắng xuống, cuộc chiến không còn những tiếng gầm rú đạn bom; cuộc chiến hôm nay diễn ra ngay trong lòng người với những thèm khát dung tục và những lãng quên quá khứ

Ngửa mặt lên nhìn mặt
Có cái gì rưng rưng
Như là đồng là bể
Như là sông là rừng

Như chợt nhận ra nhau, người nhìn trăng, trăng nhìn người. Bạn cũ gặp lại, nhận ra còn có tình với nhau nên rưng rưng bất chợt. Thương lắm tuổi thơ và những năm tháng đã qua, thương lắm những khi trong đêm tối chỉ còn bạn là trăng. Tự nhiên đến thế, hồn hậu đến thế; trăng như ruộng đồng, sông suối, như rừng sâu biển rộng. Trăng không biết giận chỉ biết bao dung, khoan nhượng

Trăng cứ tròn vành vạch
Kể chi người vô tình
ÁNH TRĂNG IM PHĂNG PHẮC
Ðủ cho ta giật mình

Trong đêm tối, trong im lặng. Hai người bạn đứng nhìn nhau, trăng vẫn tròn đầy bất kể ai đó vô tình lãng quên. Trăng gợi lại cho nhà thơ những kỷ niệm cũ bị vùi lấp trong ký ức mới. Trăng độ lượng và con người đủ hiểu được cái bao dung ấy để giật mình.

            Cả bài thơ như một hồi chuông ngân nhẹ trong không gian, đánh thức những ký ức của những tháng năm gian lao nhưng hào hùng của người chiến sĩ đã gắn bó với thiên nhiên, với đất nước bằng tấm lòng chân thật, bằng lý tưởng cao đẹp còn mang mãi trong tâm hồn.

(Kỳ Anh- báo Giáo dục và Thời đại tháng 4/2001)

 

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn