Thương quá... "Mùa Xuân..."

            Cảnh hai dòng đầu của bài thơ là một tấm màn không gian nhẹ: nắng trải rộng ra thành từng "làn" và khói không tụ lại mà tan ra. Tài tình của Hàn Mặc Tử ở chữ "ửng" và chữ ""; vừa diễn tả được cái tươi mới của nắng và cảm giác hư ảo của khói. Trong cảm nhận vừa thực, vừa mộng đó, những mái nhà tranh điểm một sắc vàng quyến rũ. Có phải ánh nắng hoà trong khói mơ lan toả trên mái nhà tranh mà tạo ra cảnh "lấm tấm vàng" chăng?. Trong cái nền thiên nhiên thi vị đã xuất hiện một "Bóng xuân". "Bóng xuân" đến không lặng lẽ mà như một khách đa tình động chạm vào cây lá thiên nhiên.

Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trong sự lả lơi của gió, với tà áo, giàn cây... tạo cảnh, "Bóng xuân" ấy không ai khác chính là thiếu nữ. Nàng đến. "Bóng xuân sang". Từ đây mở ra một không gian. Màu của tà áo biếc, của giàn thiên lý tiếp với màu xanh bất tận của cỏ

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời

Câu thơ không những miêu tả bề rộng, bề cao mà còn miêu tả cảm xúc con người trước thiên nhiên choáng ngợp phía trước và tiếng hát xao xuyến lòng người của các thôn nữ.

            Thiên nhiên trong thơ Hàn Mặc Tử đầy tâm trạng. Con người trong đó cũng không dễ dãi hoà cảm. Nhìn "sóng cỏ xanh tươi", nghe tiếng hát hồn nhiên của các cô thôn nữ, Hàn Mặc Tử đã nghĩ tới ngày mai với những dự báo chua xót:

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

"Ðám xuân xanh" chính là cụ thể hoá "Bóng xuân" ở khổ 1, là "bao cô thôn nữ" đang hát... Những ngày vui, ngày xuân của họ thật ngắn ngủi. Tình yêu vội đến và cũng vội đi

Cách miêu tả tiếng ca, lời nói, bằng những từ "vắt vẻo", "hổn hển", "thầm thĩ" (chứ không phải "thầm thì") và dòng thơ:

Nghe ra ý vị và thơ ngây..

ta có thể thấy sự mê mải, say đắm, hồn nhiên của các thôn nữ trong cuộc tình hôm nay có thể "ý vị""thơ ngây" song nó cũng như "làn nắng ửng" và "khói mơ tan" mà thôi, mỏng manh và ngắn ngủi làm sao?

            "Bóng xuân sang", "Ðám xuân xanh", "Mùa xuân chín" dẫu là cách gọi khác nhau song những cụm từ này đều diễn tả cái thời đẹp nhất của người con gái. Thời đó có thể vĩnh viễn không trở lại nhưng vẻ đẹp của Tình yêu- Mùa Xuân- thôn nữ mãi mãi còn lưu giữ trong tâm hồn tác giả. Từ cảm xúc trong sáng đó, Hàn Mặc Tử đã có những giây phút bâng khuâng nhớ về làng quê với những điều day dứt:

Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

            Tác giả như nhớ về "cô thôn nữ" "xuân xanh"... đã thành "chị ấy" bây giờ có còn gánh thóc nặng nhọc đi trên bờ sông dài đầy cát trắng, đầy nắng gió như bao người phụ nữ vất vả bước đi trong cuộc đời này.

            Với ý tưởng hiện thực lãng mạn đầy tính nhân văn; với nhịp điệu, cách hiệp âm, tạo vần, câu thơ này trở thành một trong những câu thơ hay nhất của thời thơ mới và của thơ Việt Nam từ trước đến nay. Và "Mùa xuân chín" là một trong những bài thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử bởi sự liên tưởng- thực- hư này.

(THANH NG- Sở Giáo dục đào tạo Hà Tây)

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn