Đợi 
của Nguyễn Xuân Thâm

Em giờ đã quá xa xôi
Thu đang đốt lửa mảng trời khô cong
Bao giờ mới mặc áo bông
Đợi hoa đào với người không trở về

        Tất cả "vấn đề" nằm ở câu cuối. Trầm thống của một bi kịch. Điểm rơi cuối cùng của một bồn chồn dồn nén nhớ thương. Tứ thơ có kết cục bằng không (=0) ấy chả rời đi mà vòng trở lại trong trí nhớ bạn đọc. Đó là oái oăm của thơ. Vâng, nếu ông thi sĩ ấy được đầy đủ cả không bị mất mát gì, cả "em" lẫn "hoa đào" ông đều rinh được, thì hỏi lấy đâu ra một mảy li cho chất lượng thi hứng thi tài!

        Sẽ có một quí vị độc giả (tưởng tượng) đặt ra một câu hỏi dấm dớ nhất đời: Hoa đào với người yêu dấu nhất kia đã chắc rằng không trở về, thì ông còn chờ đợi nỗi gì, làm thơ rao lên, than lên nỗi bẽ bàng như vậy thì hòng phỏng được gì?!

        Thơ chính dành cho con người, gia tạo thêm niềm hạnh phúc cho con người. Mong một sẻ chia nào đấy, bù đắp dẫu chút ít, san vợi tuy chẳng nhiều... Làm cho con người nâng niu con người hơn, hãy cảm thông với "nhiều vết thương không cách chữa" (Trần Quốc Thực). Vâng, thơ, bằng cảm nghĩ đặc biệt của nó, bao giờ cũng vụ con người. Nhưng mà không vụ lợi trần sì, tắp lự. Chúng ta đã quá kinh nghiệm về những đòi hỏi nhăm nhăm áp đặt lên thơ.

        Nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm vốn già tay nghề, có vài chất liệu lốm đốm khô khô, thế mà ông cũng điều câu khiển chữ, lái nên một bố cục đọc cũng xuôi, lại nhử lên một ít gì như thể óng ánh. Đến tuyệt vọng này "võ" của nhà thơ lại là buông lỏng toàn thân, trình bày nguyên vẹn nỗi đau, hơn thế nữa còn khoét sâu thêm bằng trái tim thành thật mở trần. Một nhà văn nữ Pháp thế kỷ 19 xuất sắc ngang và còn vượt không ít bậc văn tài nam giới Pháp thời ấy, đã từng khẳng định rằng, cao cường nhất của tài năng chính là khát mong đạt tới sự giản dị. Ý ấy của bà Georges Sand không mới nhưng là sự gạch đậm một lần nữa chân lý mà chính bà đã nghiệm thu suốt một nghiệp văn. Cùng với những soi rọi khác đây vẫn là một bài học hiện đại chuốt lọc cho văn cõi, thi cõi. Vốn người con ruột xứ Huế Nguyễn Xuân Thâm nơi khí hậu chẳng khác chi xứ Bắc, nếu phải tạm sống ở một xứ nóng rẫy nào đó, thì như tâm sự của nhiều bà con ta xa xứ, rất thèm hưởng thứ rét ngọt quê nhà. "Bao giờ mặc áo bông" câu thơ quá mộc thật đáng được khen theo giọng bà con từ trung phần đất nước trở vào "nghe ổng nói sao mà tội". Nhưng không phải chỉ thèm rét mà cơn thèm còn xa vợi hơn, lẳng lặng đau đáu hơn...mới càng tội chứ!.

        Thú thật với Nguyễn Xuân Thâm, cả tập thơ "Tìm trầm" (in 2001) giàu tài hoa, công phu, mang thơ về không những từ nhiều vùng đất nước mà còn rộng ra cả thế giới... tôi vẫn "bị" nhất bài tứ tuyệt này của anh.

(Lời bình của Trúc Thông- báo Phụ Nữ Việt Nam)

 

 

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn