Nhủ lòng của Bùi Tiến Đạt

Gặp làm chi nữa người ơi!
Hai thuyền giờ đã êm xuôi hai dòng
Nỗi riêng xin lặn vào trong
Thương nhau, đừng để sóng lòng nghiêng chao
Hương chanh thoảng giữa chiêm bao
Hoàng hôn năm ấy tím vào xa xăm...
Thoắt mà đã mấy mươi năm
Cỏ cây tưởng đã xanh rầm lối xưa!

Gặp đây nào có ai ngờ
Thời gian lưu dấu hoa mơ cài đầu
Ngỡ ngàng hướng mắt về nhau
Hỏi, thưa giờ đã là câu "ông", "bà"...
Dằn lòng quên những năm xa
Gặp làm chi nữa, để mà.... người ơi!

        "Thương một người đã yên phận là cướp đi hạnh phúc của một gia đình". Câu nói của Hương trong tiểu thuyết "Cõi nhân gian" của Nguyễn Hữu Lộc Thành đầy sức ám ảnh. Câu nói gợi tôi bài thơ "Nhủ lòng" của Bùi Tiến Đạt. Chúng ta hãy cùng đọc và suy ngẫm những vần thơ để càng hiểu sâu sắc thêm tính nhân văn của con người.

        Lời thơ cất lên từ một cuộc hội ngộ đầy bất ngờ, cuộc gặp gỡ ngoài mong muốn của cả hai bên mà giờ đây đã lên chức ông, chức bà. Vì thế, ngay từ dòng thơ đầu tiên đã là:

Gặp làm chi nữa người ơi
Hai thuyền giờ đã êm xuôi hai dòng.

        Câu thơ không rõ ràng là của người nữ hay người nam. Chữ "người" được dùng rất chung chung, không xác định. Tôi nghĩ cách hiểu hay nhất, nhân văn nhất thì coi đó là tiếng lòng của hai tâm hồn đồng điệu cùng cất lên. "Gặp làm chi nữa", xót xa quá! Xót xa bởi sự đoạn tuyệt vĩnh viễn của hai con người nhưng sao tiếng gọi vẫn cứ da diết "người ơi"!. Rõ ràng ngay từ câu thơ đầu tiên, ngay từ phút đầu tiên gặp gỡ cái tình và lý trí đã đan xen với nhau. "Gặp làm chi nữa" bởi ván đã đóng thuyền rồi, thuyền đã "êm xuôi hai dòng" rồi. Ngỡ rằng chẳng bao giờ gặp nhau nhưng rồi lại gặp. Hội ngộ ngoài dự kiến nên cảm xúc con người cứ như ngỡ ngàng, mừng vui rồi lại buồn tủi. Người xưa đấy, trước mặt mình đây nhưng sao mà xa vời vợi. Ẩn sau câu thơ như có sự gửi trao của đôi mắt:

Nỗi riêng xin lặn vào trong
Thương nhau đừng để sóng lòng nghiêng chao

        Câu thơ như một lời thầm nhắc nhủ, thầm khuyên xin đâu phải chỉ với người bạn xưa mà nhắc với cả chính mình. Có còn thương, còn nhớ tình xưa nghĩa cũ thì đừng để những cơn sóng lòng trào dâng, chao đảo. Lòng người dễ mềm yếu lắm mà ranh giới lòng lại quá mong manh. Sóng lòng chỉ cồn lên cao hơn một chút là kết thúc cuộc hội ngộ đã khác. Vậy nên phải bản lĩnh lắm mới cất lên được lời vừa mềm mỏng lại vừa dứt khoát, nghiêm nghị đến như vậy mà vẫn không làm tổn thương đến chút tình năm cũ. Đáng quý thay, lý trí của con người lúc này đã thắng để biến "tím vào xa xăm". Hồi tưởng chuyện cũ chẳng qua là để thầm nhắc tất cả đã khác, thời gian đã xa và không gian đã đổi thay sau "mấy mươi năm" ấy. Bài thơ tràn ngập nỗi thảng thốt thời gian" "thoắt mà...", "thời gian lưu dấu hoa mơ cài đầu". Có gặp lại nhau đây mới biết thời gian đã trôi nhanh đến thế. Vượt lên trên chiều dài của thời gian, vượt lên trên những nỗi niềm sau bao tháng năm xa cách là lý trí con người tự "dằn lòng quên những năm xa". Không hiểu vì một nguyên do nào đó mà thời trẻ họ không đến được với nhau, nay gặp lại, nuối tiếc nhiều lắm nhưng hãy vì nhau giữ lấy hạnh phúc của mỗi người bởi hạnh phúc ấy đâu có dễ gì xây dựng được. Thôi đành "không duyên chồng vợ thì duyên bạn bầu" (Truyện Kiều- Nguyễn Du)

        "Gặp làm chi nữa, để mà... người ơi!". Câu thơ đầy trăn trở, kết thúc bài thơ nhưng lại mở ra cho người đọc biết bao suy ngẫm. Suy ngẫm về tình yêu, hôn nhân, gia đình. Suy ngẫm về bổn phận, trách nhiệm của cá nhân mình đối với việc giữ gìn, bảo vệ hạnh phúc. Trong những trường hợp như thế, bản lĩnh con người càng lớn bao nhiêu thì phẩm giá, nhân cách của con người càng lớn lao và đáng trân trọng bấy nhiêu.

(Lời bình của Lê Thuỳ Linh- báo Phụ Nữ Việt Nam)

 

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn