Với người đứng tuổi

Biết là người đã về hưu
Biết là người vẫn chưa yêu bao giờ
Biết người thăm thẳm đợi chờ
Ước thầm nhớ vụng để giờ về hưu
Cái thời dễ nhớ dễ yêu
Là thời người chẳng dám liều cùng tôi
Gặp nhau khi bóng ngả rồi
Và tôi còn phải là tôi bây giờ?
Chút bâng khuâng thoáng sững sờ
Hình như có cái bâng quơ não lòng
Bây giờ chống chếnh mái tranh
Se se ngọn gió, mỏng manh ánh đèn
Ðơn côi bóng lẻ trước thềm
Chỉ riêng ánh mắt vẫn duyên vẫn ngời
Nhưng giờ đâu nữa là tôi
Nhắc chi cái thuở đất trời cho yên?

        Cách đây mấy năm, khi ấy nhà thơ Hà Ðức Toàn còn là Chủ tịch Hội Văn nghệ Thái Nguyên, tôi lên bình thơ ở trường Ðại học Sư phạm và Cao đẳng Sư phạm. Ðêm cuối cùng ngồi bù khú với nhau uống chè Tân Cương và đọc thơ tình, sau khi nghe Hà Ðức Toàn đọc bài thơ Với người lớn tuổi, một số anh em hò lên đòi đi xem mặt... "người thật việc thật". Toàn đỏ mặt nhưng vẫn nói cứng: "Ði thì đi! Cũng gần đây thôi!". Một anh hỏi: "Tóc dài phải không?". Một người thêm vào: "Mắt đẹp lắm!".

        Tôi vội cản lại, một phần tôi là người rất vụng trong giao tiếp với phái yếu, một phần nữa là để giữ cho Toàn: anh em biết quá rõ, bài thơ sẽ mất đi phần hư ảo, thi vị. Vâng "người đứng tuổi" đây có thể là một cô giáo cấp ba tóc dài, một kỹ sư nông nghiệp có đôi mắt rất đẹp... có thể là, có thể là ai mặc lòng nhưng đã là phận gái thì đều có thể dính vào xác suất éo le CỦA TÌNH YÊU.

        éo le ngay từ câu lục bát đầu tiên:

Biết là người đã về hưu
Biết là người vẫn chưa yêu bao giờ.

        Hai dòng của một câu thơ chống nhau như nước với lửa: yêu là việc của tuổi trẻ, hưu là việc của tuổi già. Ðã về hưu mà chưa yêu bao giờ thì rõ là độc thân rồi. Câu thơ thật đau đớn. Tự câu thơ đã mách bảo với người đọc tình cảm đặc biệt của tác giả với nhân vật trữ tình của bài thơ. Về hưu thì có quyết định, có sổ sách, ai cũng biết còn đã yêu hay chưa yêu thì chỉ có người thân hay bạn bè thân mới biết rõ vì:

Cái thời dễ nhớ dễ yêu
Là thời người chẳng dám liều cùng tôi

        Chữ "liều" đắt và tự nhiên. Ai đã từng yêu mà không có lúc liều? Tám tiếng (của câu bát) mà chứa đựng hai tâm trạng: người con trai (hay người đàn ông - hiện thân của tác giả) thì dám liều nhưng người con gái lại... chẳng dám liều! Câu thơ mang đầy sự nuối tiếc và không giấu được chút trách móc dù là rất nhẹ nhàng!

        Rồi oái oăm thay sự biến chuyển của tâm lý tình cảm:

Gặp nhau khi bóng ngả rồi
Và tôi còn phải là tôi bây giờ?

        Bóng ngả rồi không phải là chuyện quan trọng nhất (tuổi nào có cách yêu của tuổi ấy!) mà quan trọng nhất ở đây là sự tỉnh táo đầy lý trí và trách nhiệm, về chức phận của người đàn ông: đứng đắn đến tỉnh queo!!

        Câu lục và câu bát có một khoảng cách, một dòng chấm lửng không nói ra nhưng bằng trực cảm người đọc đoán được lúc này "người ấy" có vẻ đã xiêu lòng, "dám liều" rồi thì "người này" lại... sợ!

        Ba cặp lục bát tiếp đầy ắp sự thương mến, thương cảm:

Chút bâng khuâng thoáng sững sờ
Hình như có cái bâng quơ não lòng.
Bây giờ chống chếnh mái tranh
Se se ngọn gió, mỏng manh ánh đèn
Ðơn côi lẻ bóng trước thềm
Chỉ riêng ánh mắt vẫn duyên vẫn ngời

        Tình thật, tâm thật nên cả ba câu đều được viết ở độ thăng hoa của tâm hồn tác giả. Và câu kết là sự tự trách mình, buồn đến tê tái:

Nhưng giờ đâu nữa là tôi
Nhắc chi cái thuở đất trời cho yêu?

        Cả bài thơ được viết ra bằng một nỗi ám ảnh dai dẳng, dù có một chỗ vần không chuẩn thì vẫn là một bài thơ tự nhiên nhất của nhà thơ Hà Ðức Toàn./.

 

Nguyễn Bùi Vợi


[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn