Hỡi người vừa lạ vừa quen
Chẳng còn xuân sắc như xưa
Quỹ thời gian đã quá trưa sang chiều
Tóc huyền đã điểm muối tiêu
Mắt bồ câu đã kẻ nhiều chân chim.Giật mình tỉnh giấc nửa đêm
Xót xa nghe nặng trái tim bồi hồi
Những gì em đã cho tôi
Là tình yêu với một thời trẻ trung
Là hơi thở ấm đêm đông
Là làn da mát cả trong trưa hèTôi thì nửa tỉnh nửa mê
Lúc lên tiên cảnh lúc về trần gian
Cù lần chẳng thể làm quan
Vụng về chẳng thể lo toan làm giàuBao nhiêu sợi tóc trên đầu
Bấy nhiêu sợi bạc đổi màu sang emHỡi người vừa lạ vừa quen
Vừa xa xôi lại gần bên tôi hoài
Để mà gánh nặng hai vai
Để buồn vui những ngày dài có nhauVũ Hồng Quang
"Những người phụ nữ khi sinh ra là có sự tôn vinh của chúa trời". Có lẽ bởi thế mà những vần thơ ca ngợi họ chiếm phần lớn trên thi đàn từ trước đến nay. Người ta thường tốn bao giấy mực để ca ngợi những cô gái "mắt biếc", "tóc mây" hoặc luôn hướng tâm tưởng về người yêu một thời đã xa... chứ mấy ai viết về người vợ "chẳng còn xuân sắc" như Vũ Hòng Quang. Có chăng đó chỉ là hiếm hoi, khó tìm. Tôi đã gặp một Tú Xương, một Nguyễn Duy... viết để ca ngợi và bày tỏ tình cảm thương yêu khâm phục với vợ. Và với Vũ Hồng Quang, bài thơ "Hỡi người vừa lạ vừa quen" của anh cũng muốn được chia sẻ những yêu thương cùng người bạn đời.
Không bắt đầu bằng việc đi từ quá khứ xinh tươi lãng mạn "một thời yêu nhau", anh đã đối mặt với hiện thực của ngày hôm nay. Cái hiện thực khó chấp nhận dễ dàng rằng: anh và vợ anh đã bước qua tuổi đẹp đẽ nhất, bây giờ đang ở tuổi bên kia dốc cuộc đời: "Chẳng còn xuân sắc như xưa, Quỹ thời gian đã quá trưa sang chiều". Một nửa cuộc đời đã đi qua. Một đi không trở lại. Cái còn lại, hiện hữu chỉ là:
Tóc huyền đã điểm muối tiêu
Mắt bồ câu đã kẻ nhiều chân chim
Chắc hẳn nhà thơ không hề có ý định phác thảo chân dung hay làm phép so sánh nhan sắc của vợ anh ngày hôm qua và ngày hôm nay. Anh chỉ xót xa mà nhận ra những đổi thay nghiệt ngã không thể cưỡng lại được của quy luật thời gian. "Em"- nhân vật chính của lòng anh- đã không còn "xuân sắc như xưa". Sự thay đổi của người vợ một thời "tóc huyền", "mắt bồ câu" không khiến anh ngạc nhiên đến mức thảng thốt giật mình song lại làm tim anh nặng trĩu buồn thương. Một nỗi xót xa dâng trào mỗi lần "Giật mình tỉnh giấc nửa đêm", anh lại nhìn thấy trái tim đau nhói. Điều thật đáng quý là mỗi lần "tỉnh giấc" ấy, nhà thơ lại thêm một lần nhận ra người vợ đã đổi cả xuân sắc (vốn vô cùng quý giá đối với mỗi người phụ nữ) để dành riêng anh:
Những gì em đã cho tôi
Là tình yêu với một thời trẻ trung
Là hơi thở ấm đêm đông
Là làn da mát cả trong trưa hè.
Vậy là nét đẹp xinh xưa kia đã dành cả cho anh, đã sẵn sàng đánh đổi để cho anh hạnh phúc trọn vẹn. Không hiểu sao tôi có cảm giác người vợ của Vũ Hồng Quang đã bán dần bán dần nhan sắc quý giá của mình để đem về hạnh phúc cho chồng con. Người vợ này cũng như bao người phụ nữ khác, luôn hy sinh, chắt chiu, tất cả dành cho gia đình. "Hơi thở ấm đêm đông" và "làn da mát cả trong trưa hè"... là những hiện hữu rất thực, rất giản dị về "những gì em đã cho tôi" nhưng cũng chứa chất bao cảm xúc dịu dàng, yêu thương của người chồng biết công vợ.
Vũ Hồng Quang chẳng chửi đổng "cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không" như cụ Tú Xương nhưng anh cũng xót xa buồn khi nghĩ về mình:
Tôi thì nửa tỉnh nửa mê
Lúc lên tiên cảnh lúc về trần gian
Cù lần chẳng thể làm quan
Vụng về chẳng thể lo toan làm giàu
Đàn ông vốn là trụ cột của gia đình mà xem ra nhân vật "tôi" Vũ Hồng Quang lại quá vô tư, "vô tích sự". Một lời tự bạch có vẻ khá thành thật. Chẳng than thân trách phận, không kể lể hay nguyền rủa mình, anh thành thật nhận mình là kẻ dường như "vô tích sự", chẳng làm nên công cán gì. Giọng thơ hóm hỉnh, ý tứ nhịp nhàng nhưng gieo vào lòng người đọc niềm thương kính đối với người vợ của anh. Có một ông chồng "nửa tỉnh nửa mê" khi "tiên cảnh" lúc "trần gian" thì bao gánh nặng cuộc sống gia đình sẽ dồn lên đôi vai bé nhỏ của người phụ nữ một thời mắt bồ câu, tóc huyền. Ông chồng có nét gì rất giống với nhân vật Hộ (trong truyện Đời thừa- Nam Cao). Hộ cũng yêu thương Từ, muốn cho Từ hạnh phúc, muốn che chở cho vẻ "mềm yếu, một cái gì ẻo lả, cần được hắn che chở, bênh vực" nhưng rồi nhận ra mình "chẳng giúp được gì để Từ khỏi khổ". Và Hộ bật khóc.
Ngẫm lại mình chẳng thể làm việc lớn, chẳng thể đỡ đần vợ, anh không bật khóc như Hộ mà bộc lộ một cách chân thành tình yêu đối với vợ:
Bao nhiêu sợi tóc trên đầu
Bấy nhiêu sợi bạc đổi màu sang em
Có lẽ chỉ cần như thế, bao nhọc nhằn lo toan của người vợ bé bỏng sẽ vơi bớt. Cặp lục bát tách riêng thành một khổ tạo khoảng lặng cho chiều sâu suy tưởng. Niềm yêu thương cũng chính từ đây đã bật lên thành lời tha thiết:
Hỡi người vừa lạ vừa quen
Vừa xa xôi lại gần bên tôi hoài
Để mà gánh nặng hai vai
Để buồn vui những ngày dài có nhau
Tại sao lại gọi vợ là "người vừa lạ vừa quen"? Phải chăng đấy là cách nói để thi sĩ bày tỏ niềm cảm phục với người vợ mình. Thân quen gần gũi với anh bởi cùng một tổ ấm nhưng lại lạ lẫm, "anh hùng" bởi vợ mới chính là người gánh vác, lo toan cho tổ ấm ấm êm. Hẳn là "người vừa lạ vừa quen" sẽ hạnh phúc nở nụ cười rạng rỡ khi nhận được món quà sinh nhật này từ chồng mình? Hạnh phúc gia đình sẽ luôn toả sáng từ tình yêu dâng hiến.
(Lời bình của Thanh Thuý- báo Phụ Nữ Việt Nam)
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn