Nước mắt và nụ cười chung quanh bài thơ "Anh thương binh đầu tiên" của Huỳnh Văn Nghệ

        Một trong những người thương binh đầu tiên của tỉnh Biên Hoà là anh Bùi Xuân Tảo, một thanh niên làm công nhân cao su là dân contrat, ký hợp đồng với bọn mộ phu vào Nam Kỳ tham gia bộ đội và bị thương trong trận tấn công thị xã Biên Hoà vào Tết Dương lịch 1/1/1946. Anh được đưa về quân y viện ở Ðất Cuốc trong chiến khu Ð giải phẫu cánh tay bị thương.

        Giám đốc quân y viện Chi đội 10 của tỉnh Biên Hoà là sinh viên y khoa năm chót, Võ Cương nhảy theo kháng chiến. Tuy là sinh viên mới ra trường, Võ Cương nổi tiếng là nhà giải phẫu "mát tay". Chuyên viên gây mê của quân y viện là chị An (sau là vợ giám đốc binh công xưởng Bùi Cát Vũ) được đào tạo ở Sài Gòn. Bấy giờ chiến khu có một ít thuốc tê và mê do bác sĩ Hồ Văn Huê đưa vô khu từ bệnh xá Sở cao su Lộc Ninh.

        Do tiết kiệm thuốc mê nên y sĩ Võ Cương bảo anh Tảo:
- Thuốc mê ít, anh nên hát một bài nào đó để hỗ trợ tinh thần khi tôi bắt đầu giải phẫu.

        Anh Tảo chỉ biết có bài Tiến quân ca nên hát Quốc ca. Khi chị An rắc thuốc mê được vài giây thì anh Tảo lịm đi, tiếng hát chìm xuống như máy hát hết dây cót. Anh em y tá cùng ca tiếp với anh. Ðúng vào lúc đó, anh Tám Nghệ cỡi ngựa đi ngang quân y viện. Nghe hát Quốc ca, anh xuống ngựa đứng nghiêm. Nhưng bài Quốc ca cứ hát đi rồi hát lại. Tò mò, anh bước vào thì chứng kiến ca mổ. Anh đứng nhìn khá lâu, xúc động lắm. Sáng hôm sau trong chiến khu có bài thơ mới "ra lò", bài thơ lấy tên Tiếng hát giữa rừng:

Ngựa hồng dừng chân
Bên quân y viện
Giật mình nghe tiếng
Quốc ca vang

Phải chăng giờ chào cờ buổi sáng
Hay hội nghị cơ quan
Sao chỉ một người cất giọng
Hát đi rồi hát lại nhiều lần

Xuống ngựa buộc cương
Hỏi ra mới biết
Bác sĩ đang cưa chân
Một chiến sĩ bị thương
Bằng cưa thợ mộc

Bác sĩ vừa cưa vừa khóc
Chị cứu thương mắt cũng đỏ hoe
Nhìn ảnh Bác Hồ trên tấm vách tre
Anh chiến sĩ cứ mê mải hát

Cưa cứ cưa, xương cứ đứt
Máu cứ rơi từng vết đỏ bông
Hai bàn tay xiết chặt đôi hông
Dồn hết phổi vào trong tiếng hát
"Ðoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc"
Ðã hát đi hát lại bao lần
Vẫn chưa đứt xương chân
Vẫn chưa ngừng máu đỏ

Vừa xong băng bó
Anh lịm đi
Hồi hộp cả núi rừng
Tiếng hát mới chịu ngưng
NH BÁC HỒ NHƯ RƯNG RƯNG NƯỚC MẮT

Trở lên yên ngựa đi từng bước
Cúi đầu nén nỗi đau thương
Nhưng lửa căm hờn
Bỗng dựng cao đầu ngựa dậy
Vang trời ngựa hí
Chí phục thù cháy bỏng tay cương

        50 năm sau cuộc giải phẫu anh Bùi Xuân Tảo, năm 1996, tôi tới thăm bác sĩ Võ Cương, nay lấy tên là Mười Năng, đã về hưu sau khi giữ chức Phó Hiệu trưởng trường Ðại học Y Dược TPHCM. Hai anh em bàn chuyện thơ văn Huỳnh Văn Nghệ. Anh Võ Cương cười vang nhà khi tôi nhắc bài thơ Tiếng hát giữa rừng
- Nhà văn hãy nghe nhà y bắt giò nhà thơ trong bài Tiếng hát giữa rừng nghe. Bài thơ có nhiều điểm sai "đập vào mắt" mà sao tác giả và các thi hữu không trông thấy. Thứ nhất, anh Tảo bị thương ở cánh tay. Chính tôi cắt cánh tay đó. Nhà thơ đã đổi cánh tay thành cái chân. Có lẽ cái chân thuận tiện hơn cánh tay trong việc gieo vần. Thôi cũng được. Mình thông qua đi. Thứ hai, do tác động của thuốc mê, anh Tảo chỉ hát Quốc ca có câu đầu "Ðoàn quân Việt Nam đi..." rồi anh hết hơi, câu thứ hai hạ thấp để rồi tắt hẳn "chung lòng cứu quốc". Những câu sau là do anh em y tá hát tiếp chớ anh Tảo thì đã mê man rồi. Nhà thơ cứ cho anh Tảo hát đi rồi hát lại là sai luật tự nhiên. Nhưng cũng có thể cho qua vì nhà thơ không phải là y bác sĩ. Thứ ba, bác sĩ vừa cưa vừa khóc. Ðây là điểm sai căn bản. Cái nghề cưa tay cưa chân, cặp mắt phải thật tinh, bàn tay cũng phải thật chính xác. Vừa cưa, vừa khóc thì làm sao chỉ huy bàn tay giải phẫu chính xác được? Thứ tư, giải phẫu dứt khoát phải tiến hành nhanh. Làm gì có chuyện "hát đi hát lại bao lần, vẫn chưa đứt xương chân". Như vậy, anh Tám "chê" thằng cha Võ Cương này kém nghiệp vụ chuyên môn.

        Võ Cương uống một ngụm UTQ (uống trà quạu), cười nói:

        - Nhà văn nghĩ sao về những điểm tôi vừa nêu?

        Tôi gật gù:

        - Với tư cách là nhà giải phẫu, những nhận xét của anh đều đúng trăm phần trăm. Nhưng với tư cách nhà thơ, an hTám cũng có những suy nghĩ riêng của mình. Hãy đọc kỹ câu chót của bài thơ:

"Nhưng lửa căm hờn bỗng dựng cao đầu ngựa dậy
Vang trời ngựa hí, chí phục thù cháy bỏng tay cương"

      Muốn gây căm thù phải "dramatiser (bi thảm hoá) tình huống, phải không anh?

        Võ Cương gật đầu:

        - Ðồng ý là "dramatiser" nhưng nên tránh những "hư cấu phi lý" như bác sĩ vừa cưa vừa khóc. Ðồng ý chớ? Rất tiếc là anh Tám đã đi xa để nghe mình bắt giò anh ấy hôm nay.

Nguyên Hùng

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn