Xuân chưa thành

Mùa xuân đi yểu điệu
Giỡn hoài gái muộn chồng
Bao nhiêu bầy con sít
Ðã tình bằng qua sông

Trống cơm gọi trống quân
Mới xuân qua... xuân lại...
Ðám trẻ hát ngoài sông
Vọng về văng vẳng mãi

Vài nụ chanh sóng soãi
Trên nền mấy lá tơ
Góc sân cây bưởi mốc
Dìu hương đưa gió đưa

Ba gian nhà vắng thưa
Chỉ còn gái muộn chồng
Bắc ghế trồi trước cửa
Chăm vun mấy khóm hồng

Ðợi mùa xuân trở lại
Hoa tặng một vài bông...
Vũ Thị Huyền

        Lĩnh vực hôn nhân gia đình ngày càng đặt ra nhiều bức bách cho văn học, cho thơ: hết tảo hôn, ly hôn, lại đến muộn hôn. Việc các cô gái muộn kết hôn, do hoàn cảnh khách quan, là một vấn đề thời sự của xã hội. Chúng ta từng có những "xóm không chồng", những "ngôi nhà không có đàn ông". Hoàn cảnh của họ thật đáng thông cảm. Và khi viết về họ phải rất tế nhị, tinh tế. Như Xuân chưa thành của Vũ Thị Huyền.

Mùa xuân đi yểu điệu
Giỡn hoài gái muộn chồng

        Mùa xuân luôn luôn gắn liền với cô gái. Cô gái luôn được ví như mùa xuân. Tưởng hai mà một. Ðâu phải thế, mùa xuân thì cứ trôi đi như kéo cô gái cùng đi, nhưng mùa xuân đi rồi mùa xuân lại còn cô gái chỉ biết đi mà không thể quay về. Vì thế từ "giỡn" ở đây được dùng thật chính xác. Song vô tình mà giỡn thôi chứ đâu có chủ ý. Mọi sự việc xảy ra trước mắt cô gái như trêu ngươi cũng chỉ là vô tình:

Bao nhiêu bầy con sít
Ðã tình bằng qua sông
Trống cơm gọi trống quân
Mới xuân qua... xuân lại...
Ðám trẻ hát ngoài sông
Vọng về văng vẳng mãi

        Ðây là những bài hát mới năm nào cô gái đã từng hát, những trò chơi mới năm nào cô gái đã từng chơi. Những bài hát, trò chơi của tuổi thơ ở nơi thôn dã. Mới đó mà giờ đây cô đã thành người ngoài cuộc. Nằm trong nhà đầy tiếng vọng của chúng, cô có muốn nghe không?

        Ðến khổ thơ tiếp theo:

Vài nụ chanh sóng soãi
Trên nền mấy lá tơ
Góc sân cây bưởi mốc
Dìu hương đưa gió đưa

        Tác giả đã có một ẩn dụ tinh vi. Tả hoa, tả hương còn đó mà như đã tàn. Cây chanh sau vườn, gốc bưởi đầu sân đều đã qua kỳ xuân sắc. Nó vẫn ra nụ, trổ hoa là vì sức sống dẻo dai của nó. Sức sống này đã không cưỡng lại được tuổi tác, bởi đó là quy luật của thiên nhiên.

        Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ ý tứ, tác giả miêu tả cụ thể ngôi nhà:

Ba gian nhà vắng thưa
Chỉ còn gái muộn chồng

        Ngôi nhà ba gian chứ đâu phải nhỏ, nó vốn là nơi đoàn tụ của cả một gia đình. Sau nhiều năm biến thiên, kẻ mất người còn, người đi kẻ ở chỉ còn lại một mình cô. Sự rộng rãi của không gian càng làm cho lòng người se lạnh. Lòng se lạnh người càng mau già. Chẳng biết từ khi nào cô gái đã có kiểu sinh hoạt của người luống tuổi:

Bắc ghế ngồi trước cửa
Chăm vun mấy khóm hồng

        "Trẻ trồng na già trồng chuối". Cô gái chưa phải trồng chuối để kịp ăn nhưng từng vui chơi trống cơm trống quân khi nào cô đã chuyển sang vui chơi cây cảnh:

Ðợi mùa xuân trở lại
Hoa tặng một vài bông...

        Theo trật tự cú pháp của hai câu thơ này có thể hiểu cô cứ say mê chăm bẵm như thế, khi mùa xuân đến sẽ có hoa chơi. Phần kết của bài thơ nếu vậy thì thường quá. Chắc là tác giả muốn nói: Cô gái đang chủ động đợi mùa xuân trở lại (chứ không sợ cảnh mỗi năm thêm một tuổi) để tặng hoa cho mùa xuân. Mùa xuân đã thấy chưa, đừng có "giỡn hoài gái muộn chồng" này nhé!./.

Vương Thừa Việt (Hạnh phúc gia đình)

 

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn