NGÔI nhà của mẹ
của Hữu ThỉnhChiếc vé tàu cũng hồi hộp như con
khi con về với mẹCon lại ngồi vào chiếc chõng tre xưa
nơi mẹ vẫn ngồi khâu, cha thường chẻ lạt
bao xa cách lấp bằng trong chốc lát
trăm cánh rừng về dưới giọt gianh thưaXin mẹ lại cho con bắt đầu đi gánh nước
gánh bao nhiêu trong mát để dành
xin mẹ lại cho con nấu bữa cơm mà không cần giấu khói
để con được cảm ơn ngọn lửa nhà ta
ngọn lửa biết thay con tìm lời an ủi mẹ.Vẫn chiếc dây phơi buộc ở đuôi kèo
vẫn ở đó, giờ cao hơn với mẹ
con phơi áo nghe hai đầu dây kể
thương quá những khi mưa con trai mẹ vắng nhà.Chiến tranh đi qua mẹ con mình
hàng gạch lún giữa sân cơn mưa còn đọng nước
hôm nay con trở về nhà
chiếc vó nhện trên tường cũ vô cùng thân thuộc
với một người từng chịu nỗi cách xa
họ chỉ cần đi ngược con đường đã làm nên xa cách
là có thể về với mẹ được ngay
nhưng với một người lính như con
muốn gặp mẹ phải vượt lên phía trước
phải lách qua từng bước hiểm nghèo
ở trên đó bất ngờ con gặp mẹ
như con đang gặp mẹ bây giờBước chân con chưa kín mảnh sân nhà
phía biên giới lại những ngày súng nổ
ngôi nhà mẹ là chiếc ga bé nhỏ
chúng con đến và đi trong suốt cuộc đời mình1980
(TỪ CHIẾN HÀO TỚI THÀNH PHỐ)
Năm 1980, khi viết bài thơ này, nhà thơ Hữu Thỉnh còn là sĩ quan binh chủng Tăng- thiết giáp, đang là học viên trường viết văn Nguyễn Du khoá 1 sau nhiều năm chiến đấu ở đường 9 Nam Lào, Quảng Trị, Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Người lính xa mẹ, xa quê đằng đẵng bao năm nay được về với "ngôi nhà của mẹ" nên rất hồi hộp:
Chiếc vé tàu cũng hồi hộp như con
khi con về với mẹ
Câu thơ viết tự nhiên. Sự nhân cách hoá cũng rất tự nhiên. Rồi suốt cả bài thơ là những mảnh hình gợi nhớ: chiếc chõng tre mẹ vẫn ngồi khâu vá, cha ngồi chẻ lạt, cái chum đựng nước, ngày con đi vắng mẹ vẫn ra giếng gánh về, cái bếp ngày ba bữa, mẹ ngồi thổi cơm, cái dây phơi buộc ở đuôi kèo nhà...
Những vật dụng, những hình ảnh đều làm ấm lòng người lính:
bao xa cách lấp bằng trong chốc lát
trăm cánh rừng về dưới giọt gianh thưa
Hữu Thỉnh có những câu thơ rất giản dị mà lại rất gợi cảm:
Xin mẹ lại cho con bắt đầu đi gánh nước
gánh bao nhiêu trong mát để dành
xin mẹ lại cho con nấu bữa cơm mà không cần giấu khói
để con được cảm ơn ngọn lửa nhà ta
ngọn lửa biết thay con tìm lời an ủi mẹ.
Trong cả khổ thơ, thì câu thơ "Xin mẹ cho con nấu bữa cơm mà không cần giấu khói" là một câu thơ gây ấn tượng rất mạnh. Hạnh phúc đơn giản đến thế ư? Có biết người lính ở chiến tranh phải sử dụng bếp Hoàng Cầm giấu khói đi cho máy bay địch không tìm được mục tiêu oanh tạc, mới biết họ vất vả như thế nào. Và đứa con trở về "ngôi nhà của mẹ" được "nấu bữa cơm mà không cần giấu khói" đã thấy lòng dạt dào hạnh phúc. Không dừng lại ở ý tưởng ấy, sự liên tưởng của nhà thơ thật phong phú:
để con được cảm ơn ngọn lửa nhà ta
ngọn lửa biết thay con tìm lời an ủi mẹ.
Ở HỮU THỈNH, SUY NGHĨ VÀ CẢM XÚC LUÔN LUÔN HOÀ quyện. Ðó chính là thơ:
Vẫn chiếc dây phơi buộc ở đuôi kèo
vẫn ở đó, giờ cao hơn với mẹ
con phơi áo nghe hai đầu dây kể
thương quá những khi mưa con trai mẹ vắng nhà.
Chiếc dây phơi vẫn buộc ở cái đuôi kèo ấy, nhưng thời gian đã làm cho lưng mẹ còng đi nên cái dây hoá "cao hơn với mẹ".
Với người con trai mẹ ở chiến tranh về, mọi vật dụng trong nhà như trở nên có tâm hồn, tình cảm:
con phơi áo nghe hai đầu dây kể
thương quá những khi mưa con trai mẹ vắng nhà.
Chiến tranh đã làm cho đứa con phải cầm súng lên đường, không được ở gần bên mẹ. "Cái hàng gạch lún giữa sân cơn mưa còn đọng nước" là hậu quả cụ thể của nỗi cách xa đó, con trai mẹ ở nhà đâu để cảnh này xảy ra!
Tác giả nghĩ ngợi rất nhiều về sự xa cách này:
với một người từng chịu nỗi cách xa
họ chỉ cần đi ngược con đường đã làm nên xa cách
là có thể về với mẹ được ngay
nhưng với một người lính như con
muốn gặp mẹ phải vượt lên phía trước
phải lách qua từng bước hiểm nghèo
ở trên đó bất ngờ con gặp mẹ
như con đang gặp mẹ bây giờ
Với khổ thơ này, tác giả hơi bị nhiều lời. Theo tôi, chỉ cần nói "muốn gặp mẹ phải vượt lên phía trước" là đủ, ba câu tiếp theo không cần tha thiết.
Khổ cuối của bài thơ vừa khép bài thơ lại vừa mở bài thơ ra. Con trai của mẹ trở về sau cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước rồi con trai mẹ lại từ biệt lên đường vì:
phía biên giới lại những ngày súng nổ
ngôi nhà mẹ là chiếc ga bé nhỏ
chúng con đến và đi trong suốt cuộc đời mình
Bài thơ chân thực, cảm động, giàu chi tiết nội tâm, giàu chi tiết đời sống. Thơ Hữu Thỉnh luôn bứt rứt không yên vì những suy tư trăn trở sâu sắc mà bình dị, nghĩ ngợi mà rung động tâm can.
(LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN BÙI Vợi, báo Phụ nữ Việt Nam)
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn