Tôi nhớ của X. £xênhin

Nhớ luôn, em hỡi nhớ hoài
Mái đầu em tựa, tóc ngời hào quang
Xa em giờ phải lỡ làng
Không vui cũng chẳng dễ dàng đâu em.

Anh còn nhớ mãi những đêm
Lào xào trong lá êm đềm bạch dương
Dẫu ngày khi ấy ngắn hơn
Choàng đôi ta, ánh trăng xuân lại dài

Nhớ xưa em nói cùng tôi:
"Những năm của tuổi xuân rồi sẽ qua
Và, anh yêu quý, dần dà
Bên người yêu khác anh đà quên em!"

Cành hoa nay nở hoa thêm
Nhắc cùng anh mối tình duyên khi nào
Cánh hoa anh rắc hôm nao
Lên làn sóng tóc em- sao dịu dàng!

Trái tim ngừng đập sẵn sàng
Yêu người yêu khác, sầu mang trong lòng
Ôi thiên tình sử nghẹn ngùng
Ngồi bên ai, vẫn mơ màng nhớ em.
(Bản dịch của Xuân Diệu)

        Trước hết, cần nói ngay rằng, theo tôi, công việc dịch thơ thực chất là việc sáng tạo lại bài thơ bằng một ngôn ngữ khác trên cơ sở ý tứ và cảm xúc của nguyên bản và người dịch thực sự là đồng tác giả của bài thơ. Với cách nhìn nhận ấy, mặc dù tôi có biết bài thơ trên đây trong nguyên bản nhưng giờ đây tôi chỉ cảm nhận nó như những gì đang hiện lên trước mắt và vang lên bên tai, tức là một thi phẩm tiếng Việt với tất cả vẻ đẹp của âm hưởng thơ lục bát mà nhà thơ- dịch giả Xuân Diệu đã sử dụng rất tài tình. Và xin các bạn hãy cùng tôi thưởng thức cái hay của bài thơ như một tác phẩm chứ không phải một dịch phẩm, nghĩa là ta tạm gác sang bên những vấn đề của công việc dịch thuật thơ vốn là một việc thiên nan vạn nan.

        Chúng ta biết X. £xênhin (1895- 1925) là nhà thơ Nga vĩ đại, "cây đại phong cầm do thiên nhiên tạo ra để dành cho thơ" như cách gọi của M. Gorki. Trong thơ £xênhin, hai chủ đề xuyên suốt là tình yêu quê hương đồng ruộng nước Nga và tình yêu đôi lứa. Riêng về đề tài tình yêu (đôi lứa) ông đã có nhiều bài thơ tuyệt diệu có sức khám phá thế giới sâu thẳm của hồn người với sự phong phú của cảm xúc, tràn ngập hình ảnh và đặc biệt là rất giàu nhạc tính. Bởi vậy, việc nhà thơ Xuân Diệu chọn thể thơ lục bát để chuyển ngữ bài thơ này là một điều rất hợp lý vì ở đây nhạc điệu chiếm một vị trí hàng đầu để tạo nên cảm xúc. Chúng ta sẽ thấy ngay rằng về mặt ý tứ, bài thơ này không lạ, cũng chẳng mới, nó nói một chuyện xưa như trái đất và cũng phổ biến đến nỗi tưởng như mọi sự đã an bài, cái điều mà sau này nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có lần tâm sự trong một bài báo: Sức sống của tình yêu lâu dài hơn ta tưởng rất nhiều và ta ngỡ có thể dùng một tình yêu này để xoá đi một tình yêu khác nhưng điều ấy là không thể...

Trái tim ngừng đập sẵn sàng
Yêu người yêu khác, sầu mang bên lòng
Ôi thiên tình sử nghẹn ngùng
Ngồi bên ai, vẫn mơ màng nhớ em

        Dĩ nhiên, anh phải yêu cái người của ngày hôm nay anh mới ngồi bên người tình tự và thiên tình sử mới này có những vần thơ của nó, nhưng sự vật là thế, lòng người cũng là thế, chúng còn một cái nửa thứ hai không sao che khuất nổi và bài thơ này là dành cho cái nửa đó: sự bất tử của một thiên tình sử ngỡ như đã chết. Chính là tình yêu hôm nay đã đánh thức tình yêu của hôm qua, và qua sự gạn lọc và khúc xạ của thời gian, những gì còn lại của hôm qua đều lung linh lên tất cả như khi ta nhìn lên vòm trời sao trong đêm đen, từ "mái đầu em tựa, tóc người hào quang", "lào xào trong lá êm đềm bạch dương", cho đến:

Cánh hoa anh rắc hôm nao
Lên làn sóng tóc em- sao dịu dàng

        Cái cử chỉ thơ mộng và đắm say biết chừng nào: rắc những cánh hoa lên tóc người yêu... Ðến đây ta mới hiểu vì sao các tác giả của bài thơ gọi câu chuyện đã qua ấy là "thiên tình sử nghẹn ngùng"- ta bất biết câu chuyện xưa kia ấy có ẩn chứa những chi tiết gì đa đoan và diễm lệ để được gọi là thiên tình sử, nhưng chỉ bằng vào những biểu hiện quá mộng mơ và say đắm ấy cũng đã mở ra cho ta biết bao nuối tiếc nhớ nhung! Nhưng chưa hết, hình ảnh đẹp nhất trong câu thơ tài hoa và xúc động nhất về cuộc tình đã mất ấy chắc chắn phải là hình ảnh:

Dẫu ngày khi ấy ngắn hơn
Choàng đôi ta, ánh trăng xuân lại dài

        Từ chi tiết thực của đời sống "mùa xuân ngày ngắn đêm dài", hình tượng thơ đã bắc cầu sang cái thế giới hư ảo mênh mông trong tình yêu của hồn người và ngược lại, lại mang cái ánh trăng trừu tượng mông lung của trời đất "choàng" lên bờ vai ấm áp của đôi tình nhân như tấm voan dài bất tận dệt bằng ánh sáng. Hình tượng thơ đẹp đến não nùng, chất chứa trong đó bao nhiêu niềm hoan lạc, những đam mê và hạnh phúc thánh thiện của một bữa tiệc tình yêu bày ra giữa khoảng trời đất bao la của một đêm xuân.

        Một thế giới yêu đương đẹp đến như vậy mất đi ai chẳng tiếc nuối, đau lòng. Nhưng còn đau đớn hơn nữa là tất cả tấn bi kịch đều đã được dự báo trước:

Nhớ xưa em nói cùng tôi:
"Những năm của tuổi xuân rồi sẽ qua
Và, anh yêu quý, dần dà
Bên người yêu khác anh đà quên em!"

        Mấy câu thơ chân thực đã để lộ một bản chất trong tâm thế của những người đang yêu: tâm thế lo âu, bất an. Ðó là một điều có thật, nhất là với những người quá yêu. Không phải do con người quá phức tạp, thích bịa ra những nguy cơ để run rẩy, lo sợ, mà chính sự thực phũ phàng của đời sống đã hơn một lần cảnh báo với họ, đó là cái mà ta gọi là lẽ "vô thường" của tạo vật và cõi sống. Và điều đau đớn đến tái tê ở đây là con người biết vậy nhưng tuyệt nhiên không thể làm gì được. Thật kỳ lạ là mọi điều tưởng như đều nằm trong bàn tay của con người, ấy vậy mà cứ như ma làm, như quỷ khiến, như có bàn tay nào siêu nhiên can thiệp vào để cho con người không sao chạy trốn được thân phận và cả người thắng kẻ bại đều khốn khổ như nhau!

        Tình yêu là những giây phút con người sống hết mình, sống đến tận cùng, và vì vậy sức sống của nó trường cửu là dĩ nhiên. Tôi vẫn hằng nghĩ, mỗi con người chỉ có một cuộc đời, và mỗi cuộc đời cũng chỉ có một tình yêu mà thôi, không hơn.

        Với những câu thơ trên đây, vượt lên trên tâm thức của một bài thơ tình thuần tuý, bài thơ còn đánh thức trong ta một nỗi gì xao xác và thấm thía về cõi sống duy nhất ấy của con người.

(Lời bình của Anh Ngọc- báo Phụ Nữ Việt Nam 2001)

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn