Từ láy trong thơ Nguyễn Duy
Nguyễn Duy thuộc trong số những nhà thơ hiện đại am tường ngôn ngữ dân tộc và "tận dụng" được sức hấp dẫn của tiếng mẹ đẻ ở những đặc trưng độc đáo của nó, đặc biệt trong việc sử dụng từ láy một cách rất có ý thức nghệ thuật. Bài thơ Thử chơi xem sao của ông 100% là từ láy, có những câu vui ngồ ngộ:
Hớ hênh hau háu hao hao
Hung hăng hừng hực hồng hào hân hoan
Ho he hó hé huênh hoang...
Rì rào réo rắt rung rinh
Râm ran rậm rịch dùng dình rối ren.
Có thể xem như một trò đùa ngôn ngữ, trò chơi ngôn ngữ. Nhiều bài thơ của Nguyễn Duy, từ láy được sử dụng rất đắt. Bài Rót ngược thể hiện tâm trạng buồn vui ở đời được nói ra với giọng bông lơn: "Tồ tồ rót rượu vô chai - Buồn thân phận lễnh loãng vài bọt tăm". "Tồ tồ" là từ láy tượng thanh, "lễnh loãng" là từ láy phụ âm đầu mà từ gốc là từ thuần Việt "loãng" đối lập với "đặc" chỉ tính chất của một loại dung dịch. Bài Kính thưa thị Nở cũng có những câu sử dụng từ láy rất ấn tượng, rất "nghịch":
Kính thưa thị Nở tuyệt trần
Trăng ngồn ngộn trắng khoả thân với người
Nhớ không sông ộp oạp trôi
Gió oằn oại hổn hển trời phù sa.
Ðậm đặc từ láy tượng hình, tượng thanh: ngồn ngộn, oằn oại, ộp oạp, hổn hển trong một khổ thơ 4 câu nói về một nhân vật văn học điển hình đặc biệt của Nam Cao hơn nưả thế kỷ qua đã sống trong đời sống hiện thực.
Người ta có thể tìm thấy, thậm chí thống kê số lượng từ láy, số lượng bài thơ, câu thơ có từ láy của nhà thơ Nguyễn Duy và xem như đấy là một thủ pháp ngôn ngữ thơ của nhà thơ hiện đại này. Có thể đấy là từ láy thuộc khẩu ngữ - lời nói hàng ngày, cửa miệng ví như "tồ tồ", "ngồn ngộn", "nghêu ngao", "ộp oạp"... Nhưng điều đáng nói là những từ khẩu ngữ ấy lại có thể có chỗ đứng trong thơ làm cho những ý thơ, tứ thơ được "đẩy lên" không chỉ nhờ cảm xúc mà nhờ cả từ láy được cấu trúc "đảo ngữ" nhiều khi rất lạ: "Ai làm ra lúng liếng sông". Lúng liếng là từ láy thuần Việt thường để chỉ đôi mắt con gái tinh nghịch, trữ tình. "Lúng liếng sông" cách nói "nhân hoá" làm cho con sông có hồn. Hay câu "Một mình anh hoá phăm phăm ngựa thồ". Từ láy "phăm phăm" và sự đảo ngữ khiến câu thơ ấn tượng.
Từ láy thuần Việt bản thân nó gần với khẩu ngữ. Khẩu ngữ và ngôn ngữ nghệ thuật bao giờ cũng có một khoảng cách. Xoá đi được khoảng cách đó một cách nghệ thuật là cái tài và cái tình của người sử dụng./.
Hoài Việt
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn