"Đằng ấy" của Hồ Khải Hoàn

Đằng ấy ơi
Xa cách mấy năm rồi
Tôi vẫn nhớ, đâu dễ quên đằng ấy
Tuổi học trò trong tôi thức dậy
Những vui buồn đắng ngọt mênh mang....

Tóc xuống vai nghiêng bóng lá bàng
Mắt biếc xanh- một trời mơ ước
Cánh buồm nhỏ- lao xao sóng nước
Tôi trộm nhìn- Đằng ấy cũng nhìn tôi

Đôi mắt tôi muốn hoá thành lời
Đằng ấy ơi... tôi yêu đằng ấy quá
Mà đằng ấy cứ ngẩn ngơ đến lạ
Để gió chiều chia nắng phôi pha

Tôi tìm ai? Tôi đi tìm ai
Mặt đất cỗi cằn nhập nhoè ánh lửa
Mảnh vụn đời thường đốt cháy miền thương nhớ
Bao năm rồi... đằng ấy... nhớ tôi không?

Tôi đã đi chín núi mười sông
Xuôi ngược dòng đời bon chen cơm áo
Những bóng đen của sắc màu hư ảo
Vẫn còn đây... đằng ấy của tôi ơi.

        Trong một chuyến đi công tác, ngồi trên xe cạnh một cô gái đang chăm chú đọc bài thơ Đằng ấy được ghi chép trong cuốn sổ tay nhưng tên tác giả của bài thơ thì không thấy ghi lại, về sau mới hay bài thơ này của Hồ Khải Hoàn. Hôm nay, cầm trong tay tập thơ Mặt trời lãng tử của hai cha con nhà thơ Hồ Khải Đại và Hồ Khải Hoàn, tôi vội mở ra tìm bài thơ Đằng ấy...

        Bài thơ gợi nhớ về hình ảnh xa xưa đã từng gắn bó bao nhiêu kỷ niệm của tuổi học trò, nơi có một "đằng ấy" từng làm trái tim anh thổn thức.Giữa dòng đời trong đục, giữa những bộn bề của cuộc sống thường nhật, đôi khi chợt loé lên trong tâm trí anh một kỷ niệm của những ngày thơ trẻ:

Tôi vẫn nhớ, đâu dễ quên đằng ấy
Tuổi học trò trong tôi thức dậy
Những vui buồn đắng ngọt mênh mang...

trong đó có bóng dáng của một người bạn gái mà từ lâu đã để lại trong anh những niềm vui, nỗi buồn không thể nói ra lời:

Tóc xuống vai nghiêng bóng lá bàng
Mắt biếc xanh- một trời mơ ước
Cánh buồm nhỏ- lao xao sóng nước
Tôi trộm nhìn- Đằng ấy cũng nhìn tôi

        Anh đã yêu thầm nhớ trộm, đã đặt bao hy vọng ước mơ dẫu vẫn biết người ta đâu để ý đến mình. Người ta vô tư quá, hồn nhiên quá làm cho anh muốn nói nhưng cũng chẳng dám nói ra những suy tư thầm kính:

Đôi mắt tôi muốn hoá thành lời
Đằng ấy ơi... tôi yêu đằng ấy quá
Mà đằng ấy cứ ngẩn ngơ đến lạ
Để gió chiều chia nắng phôi pha

        Tình yêu là thế đấy; anh cứ yêu, cứ nhớ, cứ thương nhưng Ông Giời chẳng chịu xe tơ kết tóc. Anh chẳng làm điều gì sai trái, chỉ đi theo tiếng gọi của trái tim mình sao Giời vẫn bắt anh phải sầu phải khổ? Vô lý đến thế là cùng mà người ta có thông cảm cho đâu, có cho anh một mỏng manh hy vọng nào đâu... Vậy mà suốt cuộc đời anh, anh vẫn cứ luyến nhớ bóng hình ấy:

Tôi tìm ai? Tôi đi tìm ai 
Mặt đất cỗi cằn nhập nhoè ánh lửa
Mảnh vụn đời thường đốt cháy miền thương nhớ
Bao năm rồi... đằng ấy... nhớ tôi không?

        Có thể trong giây phút nào đó của cuộc đời, người ấy chợt nhớ lại những kỷ niệm xa xưa và trong những gương mặt quen thuộc của tuổi học trò, có hiện lên hình bóng của anh nhưng cũng chẳng để lại trong tiềm thức của người ấy một nỗi niềm thương tiếc. Có thể anh biết chắc điều đó và cũng chẳng nên oán giận làm gì bởi tình yêu từ một phía thường là như vậy:

Tôi đã đi chín núi mười sông
Xuôi ngược dòng đời bon chen cơm áo
Những bóng đen của sắc màu hư ảo
Vẫn còn đây... đằng ấy của tôi ơi

        Sau khi bài thơ Đằng ấy được đăng tải trên báo chí và in thành lập, Hồ Khải Hoàn đưa cho tôi thêm một đoạn bổ sung như là đoạn kết của bài thơ:

Tôi đã đi... ngót nửa đời người
Những bến vinh quanh, những bờ tủi nhục
Năm tháng lênh đênh giữa dòng trong- đục
Chợt nhớ về... đằng ấy... thuở xa xôi..

        Bài thơ Đằng ấy viết ra từ một tình yêu chân thật của một tấm lòng chân thật đầy cảm xúc. Kỷ niệm của những năm tháng hồn nhiên và thơ trẻ của tuổi học trò và mãi mãi là niềm cảm hứng cho tâm hồn nhà thơ. Nói ra được tình cảm của riêng mình và cũng nói thay cho bao nhiêu tâm hồn đồng cảm; đó là cái hay và nét độc đáo của thơ ca và chỉ có thơ ca mới tạo ra được điều kỳ diệu này.

        Với bài thơ Đằng ấy, Hồ Khải Hoàn đã để lại cho tâm hồn độc giả với những ấn tượng và tình cảm tốt về những kỷ niệm không bao giờ phai mờ của tuổi học trò. Tình yêu của tuổi học trò trong sáng và hồn nhiên đến kỳ lạ, chắp cánh cho ta bay tới những chân trời mơ ước để rồi mỗi khi chợt nhớ lại, lòng ta không khỏi xao xuyến bâng khuâng... Mọi người cũng như anh chợt nhớ "Có một đằng ấy ra đi... ra đi... và ở lại.." như dòng tiêu đề của bài thơ Đằng ấy của anh và người bình bài thơ này cũng muốn lấy đó làm tiêu đề cho lời bình bài thơ này.

(Báo Phụ Nữ Việt Nam- Trần Mạnh Hùng)

 

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn