CÂU THẦN chú của
NGUYỄN §ỨC MẪN

Những đêm mơ mẹ đứng bên gốc thị
Ngước nhìn, khản giọng gọi: Thị ơi
Chợt nàng Tiên hiện về rưng lệ
Giấc mơ tàn con đợi hết cả hơi

Có những năm cây mít trở trời
Cứ nghẹn nắng không chịu làm ra quả
Mẹ giục con trèo làm cây mít giả
Nắm chuôi vồ mẹ khảo: Mít ơi!

Nhiều lần mẹ bổ bưởi hà hơi
Ðọc thần chú xua đi vị đắng
Mẹ dặn chị nhớ chừa múi lẹm
Lỡ sau này lại đẻ sinh đôi

Con biết khôn Người đã mất rồi
Dọc đường làng bây giờ là phố
Bưng bát cơm thơm đọc câu thần chú
Mẹ ơi về... dù chỉ một lần thôi.

        Những kỷ niệm thật thân thương, đầy vẻ vui hóm dân gian. Của tuổi ấu thơ xưa trong đùm bọc xóm thôn và tình mẹ. Tác giả đã thể hiện bằng những chữ lời, bằng hình ảnh biết bao khơi gợi, dễ thương.

Mẹ giục con trèo làm cây mít giả.
Nắm chuôi vồ mẹ khảo: Mít ơi!

       "Làm cây mít giả" rõ là một ảo thuật khôi hài. Với "cây mít giả" là một thằng cu con mà mẹ "nắm đuôi vồ" (vồ đập đất bằng gỗ) và rất đắt dùng chữ "khảo"! (tra khảo, khảo của, ở đây là khảo quả). Hết thần chú "mít ơi" sang thần chú kiểu khác: hà hơi xua vị đắng trong trái bưởi vừa bổ ra. Rồi tiếp lời mẹ dặn chị "nhớ chừa múi lẹm" đừng ăn... Biết bao vui hóm ngộ nghĩnh kia bây giờ đầm nước mắt khi không còn mẹ nữa. Và những câu thần chú mẹ dành cho cây quả xưa kia giờ đây con chỉ muốn dồn lại, dành cho một câu thần chú thiêng liêng nhất: mẹ ơi, hãy về với con đi!. Chúng ta biết, hẳn nhiên rồi, câu thần chú kỳ diệu kia có thực hiện, có thành sự thật nổi hay không?

        Một sự thật tàn nhẫn: Con biết khôn mẹ đã mất rồi! (Trong nguyên tác: Người đã mất rồi). Từ "biết khôn" rất hay vì rất cay đắng. "Biết khôn" tức là biết phân biệt thật giả, biết những câu thần chú xưa chỉ có những giá trị huyền thoại giá trị cổ tích dù đó là huyền thoại cổ tích đầy nhân hậu. "Biết khôn" tức là đã giã từ vòng tay mẹ mang trí tuệ minh mẫn, tích cóp dần những kinh nghiệm sống đối mặt với những sự thật lạnh lùng, nhiều khi tàn khốc.

        Ai cũng phải biết khôn thôi. Và minh mẫn trí tuệ, và từng trải cuộc đời sẽ dạy anh rằng: Anh phải chấp nhận một trong những sự thật khốc liệt nhất: Ðó là sự mất mẹ vĩnh viễn.

Bưng bát cơm thơm đọc câu thần chú
Mẹ ơi về... dù chỉ một lần thôi.

        Hai câu kết, câu trên đổ dồn xuống câu dưới, dồn cho hết nỗi nghẹn ngào... Mất mát vô cùng to lớn kia làm sao có thể vãn hồi bằng câu thần chú dù thiêng liêng ấy. Và thần chú thiêng liêng cầu xin hãy thành hiện thực, chỉ một lần, duy nhất một lần cho trái tim con!

        Câu cuối bài thơ thật là một kết thúc nghệ thuật. Một hoà trộn đau đớn giữa mơ và thực, thực và mơ. Một khắc khoải. Một vò xé. Một khát vọng, một ước mơ vĩnh viễn... chỉ còn có thể duy nhất được nghệ thuật thi ca an ủi...

(Lời bình của Trúc Thông- báo Phụ nữ Việt Nam 2001)

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn