"MƯA mùa hạ"
Một cách nhìn cuộc sống
(Ðọc tiểu thuyết "Mưa mùa hạ" của nhà văn Ma văn Kháng- NXB Hội nhà văn 2000)

            17 năm trước, tôi đã đọc Mưa mùa hạ của nhà văn Ma văn Kháng, đúng thời điểm dư luận "sốt" lên xung quanh những ý tưởng khá táo bạo mà nhà văn đề cập trong cuốn tiểu thuyết này. Nhiều người thích sự bạo dạn, mới mẻ trong ngòi bút của Ma văn Kháng khi ông lật tẩy, đả phá những vấn đề tiêu cực tồn tại trong xã hội một cách không thương tiếc. Thích cái sự ví von của ông ở hình ảnh đàn mối với những đêm giao hoan lạc thú khởi đầu cho những cuộc sinh sôi, nảy nở, bành trướng của loài sinh vật mà sức phá hoại của nó đã đi vào lịch sử "Tổ mối hổng sụt toang đê vỡ". Cũng không ít người tiếc khi không tìm thấy sự dung dị, chân chất mà ấm áp trong văn phong của ông như thời "Mùa lá rụng trong vườn". Người ta chê ông "nhiều triết lý", trang nào cũng triết lý, các nhân vật cứ gặp nhau là triết lý, mỗi người một diễn đàn, hùng biện say mê, ép cho bằng được kẻ đối thoại phải ngồi im trên trang sách mà nghe. Lại có người không thích sự bỗ bã, tục tĩu trong ngôn ngữ đời thường của một số nhân vật Thưởng, Hảo, ông Tiếu, Loan... Trên thực tế, bỗ bã, tục tĩu vốn là kiểu nói đầu lưỡi của những kẻ vô sỉ, bất lương nhưng không nhất thiết phải thể hiện đậm đặc ở những trang viết có sự xuất hiện của những loại người này, người đọc mới hiểu bản chất của chúng là xấu. Tiếng Việt rất phong phú, sự đa nghĩa của nó chắc chắn giúp nhà văn giải quyết ổn thoả sự khúc mắc của người đọc về sự thô tục trong ngôn ngữ của một số nhân vật. Và như vậy, Mưa mùa hạ có lẽ đã trau chuốt hơn nếu như tác giả không muốn tạo "ép phê' với người đọc bằng việc "bê" thứ ngôn ngữ đời thường thô ráp vào văn.

            Ðọc lại "Mưa mùa hạ" khi tác phẩm vừa được tái bản lần 3, vẫn không thoát khỏi cảm giác bị ức chế bởi những màn triết lý dày đặc trong tác phẩm, thậm chí đôi chỗ cao siêu, rõ là được gọt giũa qua cảm quan của tác giả theo đường ray đã định sẵn nhưng không thể phủ nhận tính xã hội và thời đại mà Ma văn Kháng đã tạo ra cho tác phẩm bằng tài năng, tâm huyết và cả những nỗ lực mà dư luận cho là "cuộc thử nghiệm văn chương". Ông đã có lý khi cho rằng, lịch sử của dân tộc VN gắn với lịch sử của những con đê "cong như chiếc nỏ thần" và thuỷ quái chính là tên giặc thứ hai cùng với giặc phương Bắc đe doạ dân tộc ta từ khi mới dựng nước. Sự ví von ấy đã được ông áp dụng cho hiện tại và lũ giặc có sức phá hoại của mối cần được tìm diệt chính là lớp người xấu đại diện cho những tiêu cực đang tồn tại trong xã hội. Ðó là Hưng- một kẻ cơ hội bẩn thỉu. Làm việc trong cơ quan phòng chống bão lụt tỉnh nhưng chính Hưng lại là kẻ gây ra sự cố vỡ đê Lợi Toàn khiến bao người phải chịu cảnh màn trời chiếu nước. Là Loan, một cô gái có bộ mặt của Ðức Mẹ nhưng tâm hồn bị tiền và những thú đàng điếm của lớp trọc phú tiểu thị dân làm méo mó. Là Hảo, một kẻ có nhiều tài vặt nhưng tư tưởng bị hoen ố bởi những ham muốn tầm thường. Là Thưởng, một kẻ bất lương vô sỉ lợi dụng thời thế để buôn bán, lừa lọc... Ðối lập với bọn người xấu trên là những con người hết lòng vì công việc, vì đồng loại, cũng là những người kém may mắn trong sự nghiệp và đời sống tình cảm vì những lý do khách quan khi những thói đàng điếm, tiêu cực nhất thời thắng thế ở đâu đó. Trọng là hình tượng được xây dựng công phu, giống như sợi dây "nhạy cảm" xuyên suốt tác phẩm. Say mê công tác nghiên cứu tìm diệt tổ mối trong thân đê, trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu chống bão lụt trên khúc đê xung yếu, Trọng chính là đại diện của lớp trí thức trẻ tuổi có tài, có sức khoẻ, có tâm nhưng thiếu kinh nghiệm và có nhiều nông nổi khi đối mặt với tiêu cực. Trong thế trận mà cái tiêu cực ngang ngửa với các tích cực, người chiến thắng là người ngoài tâm, trí, sức phải biết dựa vào tổ chức và nguyên tắc. Nam và Ngoan là những người như thế. Họ đã khiến ông Cần- bố của Trọng vững tin hơn sau những thất vọng ở trường Ðại học nơi ông công tác, ở cái ngõ bé nhỏ 401 nhà ông, rặt những người xấu và sau cả cái chết của Trọng vì cứu khúc đê Nguyên Lộc. Khép lại tác phẩm bằng hình ảnh ông Cần lặng lẽ giữa bộn bề cảm xúc, dường như nhà văn muốn khẳng định sự thắng thế tất yếu của cái tích cực trong cuộc chiến quyết liệt với những tiêu cực được nguỵ trang bằng đủ hình thức tráng lệ trong xã hội. Cái xấu đã bị đánh bại (Hưng bị đình chỉ công tác chờ kỷ luật; Thưởng chết chìm dưới nước cùng túi vàng có được bằng những việc làm bất chính; Loan bị sa thải khỏi cửa hàng thương nghiệp...) nhưng vẫn hiển hiện trước người đọc một con đê phập phồng nhạy cảm chứa trong lòng sâu những tổ mối rỗng. Cuộc chiến chống tiêu cực vẫn tiếp diễn... Có lẽ vậy mà những ý tưởng, những vấn đề "Mưa mùa hạ" đề cập gần hai mươi năm trước không hề cũ trong cuộc sống hôm nay. Vẫn nóng hổi hơi thở thời đại khiến người đọc dễ thông cảm hơn với những đối thoại mang màu sắc triết lý, triết luận trong tác phẩm để cuốn theo những số phận gần gũi, thân thuộc như chính cuộc đời xung quanh. Có điều, nếu như viết về con người, cuộc sống "Mưa mùa hạ" có phần hơi "cứng", hơi lên gân, thiếu uyển chuyển khi thể hiện các mối quan hệ xã hội con người, chưa lý giải thấu đáo những bước ngoặt của tính cách, số phận thì những trang tác giả viết về đời sống sinh hoạt của mối lại hết sức trữ tình, lãng mạn. Thiên nhiên đã chắp cánh cho tâm hồn nhà văn bay bổng hay nhà văn muốn sử dụng bút pháp trữ tình để tạo sự tương phản với sức phá hoại khủng khiếp của loại sinh vật mù loà kia?. Có lẽ sự không nhất quán trong bút pháp giữa các trang văn... là một thử nghiệm của nhà văn Ma văn Kháng tạo ra hai thái cực thích và không thích "Mưa mùa hạ" 17 năm về trước và cả bây giờ.

(Bài viết của Chu Thu Hằng đăng trên báo Văn Hoá số 592, 19/7/2000)

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn