Tình muộn của Đoàn thị Lam Luyến
Anh đã ngoài bốn mươi
Gặp em ba bảy tuổi
Mối tình cuối của anh
Mối tình đầu của em.Anh như là khoai lúa
Thêm tháng thêm ngọt bùi
Em như là xôi nóng
Để dành trong lá tươi.Chẳng có sợ ai cười
Cùng vui như trẻ nhỏ
Nhìn nhau ngỡ thân thương
Tự ngàn năm trước đó.Những gì đã cho nhau
Chưa một lần ai có
Mỗi ngày thêm nâng niu
Sợ lại lần trót vỡĐột nhiên ta giàu có
Giữa bao nhiêu khó nghèo
Có trăm nghìn mới lạ
Với hai người- thương yêu.
Ở thơ Đoàn thị Lam Luyến, những người yêu nhau rất đỗi bình thản với thời gian, dẫu rằng đã là "Tình muộn":
Anh đã ngoài bốn mươi
Gặp em ba bảy tuổi
Câu thơ giống như một lời kể. Điều mà tác giả cũng như "anh" và "em" quan tâm ở đây không phải là cách họ gặp nhau như thế nào mà là tuổi tác của hai bên. Hơn "bốn mươi tuổi" và em là "mối tình cuối của anh". Ngược lại, em mới yêu lần đầu ở tuổi ba bảy ấy. Theo lẽ thông thường, họ đã phải được là cha, là mẹ của những đứa con khôn. Tình muộn mằn là thế nhưng chẳng kém nồng nàn:
Chẳng có sợ ai cười
Cùng vui như trẻ nhỏ
Nhìn nhau ngỡ thân thương
Tự ngàn năm trước đó
Tình yêu dường như khiến họ trẻ lại. Tình yêu giúp họ trở nên can đảm vượt lên những ngại ngùng của dư luận về một mối tình già. Ai nói rằng chỉ tình yêu của người trẻ mới biết yêu nồng nàn, mãnh liệt? Hãy nhìn cách họ yêu nhau, họ nhìn nhau mới thấy "anh" và "em" không chỉ yêu mà còn có biết bao niềm trìu mến khác. Họ vẫn nhìn nhau "thân thương" tưởng như đã gắn bó máu thịt với nhau tự ngàn kiếp trước. Nhưng ai bảo trong đó chẳng có chút ngỡ ngàng về một tình yêu vừa đến. Khác với những người trẻ, khi anh và em ở độ tuổi đó, tình yêu còn có thêm cả vì đằm thắm thẳm sâu:
Anh như là khoai lúa
Thêm tháng thêm ngọt bùi
Em như là xôi nóng
Để dành trong lá tươi.
Những hình ảnh so sánh thật bình dị, thật đời thường. Phải chăng đó cũng là một dụng ý của tác giả. Yêu ở tuổi bốn mươi như anh và ba bảy như em dẫu có muộn màng nhưng chẳng phải đã đong đầy những trải nghiệm của cuộc đời đó sao? Anh trưởng thành,chín chắn với thời gian. Còn em, tình yêu tích tụ và nuôi dưỡng trong nhiều năm tháng giờ trao cả cho anh ấm áp, nồng nàn. Hình ảnh "khoai lúa", "xôi nóng" tưởng như rất đỗi tầm thường ấy lại góp phần thể hiện sinh động nhất một tình yêu mộc mạc, giản dị mà chân thành như chính họ trong cuộc sống.
Không chỉ thế, cả "anh" và "em" đều rất tự hào về tình yêu của mình.
Những gì đã cho nhau
Chưa một lần ai có
Chỉ với câu thơ ấy đã nâng tình yêu của họ lên một bậc. Còn tình yêu lại nâng họ lên một tầm cao mới, nhất là với ý thức: "Mỗi ngày thêm nâng niu" cái cây tình yêu đã đâm chồi. Có thể nói những người trung tuổi khi yêu hơn hẳn những người trẻ về điều này. Tình yêu muộn màn đến nửa đời người mới tìm thấy phải chăng đó là tình yêu đích thực thì lẽ nào chẳng nâng niu, bởi họ "sợ lại lần trót vỡ" như những tình yêu bồng bột đã qua ở thời tuổi trẻ. Thế mới thấy những gì mà một tình yêu đích thực đem lại thật vô giá. Như "anh" và "em" thấy mình trở nên giàu có "giữa bao nhiêu khó nghèo"
Tình muộn mà không già, tình muộn mà không cũ bởi vẫn:
Có trăm nghìn mới lạ
Với hai người- thương yêu
Dường như khi tình yêu đến mở ra trước anh và em cả một thế giới, cả một cuộc đời. Những câu thơ trong bài "Tình muộn" cứ dồn dập, câu nọ nối tiếp câu kia như có thể trải ra bất tận như tình yêu của hai người. Với trái tim của một phụ nữ nhạy cảm, Đoàn thị Lam Luyến đã nắm bắt trọn vẹn và cảm thông với mối tình muộn. Bài thơ khiến cho người đọc, nhất là những người ở độ tuổi trung niên càng cảm thấy quý trọng hơn và vững tin hơn vào tình yêu của chính mình.
(Lời bình của Lê Thuỳ Linh- báo PNVN)
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn