"Tôi ra cửa biển"- 
bài thơ hay tặng vợ của Hải Kỳ

        Thơ tặng vợ cũng là thơ tình, nhưng nó không chỉ là yêu thương giận hờn, mà cao hơn, là bổn phận cao cả trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Trong văn chương Việt Nam có không ít bài thơ tặng vợ rất hay. Trần Tế Xương "Thương vợ":

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng"

        Còn Cầm Vĩnh Ui thì:

"Tôi nhớ vợ tôi lắm
Xin anh về hai ngày..."

        Bài thơ "Tôi ra cửa biển" của Hải Kỳ là một trong số bài thơ tình hay viết tặng vợ của các nhà thơ Việt Nam hiện đại.

        Đất nước ta trải hai cuộc chiến tranh khốc liệt, hàng chục triệu cặp vợ chồng đã phải xa nhau hàng chục năm liền hoặc vĩnh viễn xa nhau vì sự thống nhất của Tổ quốc. Ngay trong thời bình, cũng có những năm tháng các gia đình phải chịu một sự chia ly tình cảm: Vợ xa chồng, chồng xa vợ, mẹ xa con, xa bà con làng xóm, lặn lội biền biệt tới tận góc biển chân trời để kiếm sống. Vợ chồng Hải Kỳ cũng ở trong hoàn cảnh buồn ấy. Khi vợ đi xa rồi, nhà thơ mới cảm thấy hết sự mất mát tình cảm lớn lao trong cuộc sống hàng ngày. Nhà thơ phải vừa đi dạy học, vừa thay vợ làm công việc nội trợ gia đình, như: nấu ăn, giặt giũ quần áo, chăm sóc hai con trai nhỏ ăn uống, học hành. Công việc bận bịu vất vả hàng ngày không thể nào lấp được khoảng trống vắng mà vợ để lại trong lòng anh. Bài thơ "Tôi ra cửa biển" bắt đầu từ sự trống vắng ấy:

Em đi góc biển chân trời
Tôi về nhặt lại những lời bỏ quên
Mùa đông rụng lá ưu phiền
Sang xuân có bớt nỗi niềm nhớ mong
Biết là nhớ cũng bằng không
Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm

        Đây không phải là lần đầu tiên Hải Kỳ xa vợ. Những năm 80 của thế kỷ XX, anh vào Huế học Đại học sư phạm 4 năm. Khi tốt nghiệp Đại học, thấy tài năng thơ ca và sư phạm của anh, nhiều người khuyên anh ở lại Huế công tác. Nhưng anh kiên quyết ra Đồng Hới với vợ con, dù phải chấp nhận "gõ đầu trẻ" từ ấy đến giờ! Có lẽ vì cái tình vợ chồng nồng thắm đó mà sự chia tay lần này đối với anh nó vời vợi hơn, thấm đẫm nỗi buồn hơn. Nên, dẫu "Biết là nhớ cũng bằng không", mà vẫn " ra cửa biển ngồi trông cánh buồm". Đó là mâu thuẫn nội tại của tình cảm chỉ có thơ mới lý giải được.

        Nhà thơ Hải Kỳ sinh ra bên sông Nhật Lệ, ở thị xã Đồng Hới. Ngay từ thuở ấu thơ anh đã phải chịu cảnh xa bố:

Cha tôi biền biệt từ lâu
Tôi còn bé mẹ khẩn cầu đất đai

        Anh phải xa mẹ đằng đẵng 3 năm liền, lên quê nội Lệ Thủy học cấp 3 (THPT) rồi lại sơ tán ra Ngư Hóa miền tây Quảng Điền, đến khi vừa tốt nghiệp THPT thì anh nghe tin đau đớn: người mẹ 38 tuổi của anh bị bom Mỹ giết hại ngay tại xóm Câu, Đồng Hới, để lại giữa đời hai con trai không nơi nương tựa:

Tôi về nơi mẹ sinh tôi
Mẹ không còn nữa chân trời mây bay...

        Có lẽ xuất phát từ nỗi đau gia đình ấy, nên Hải Kỳ vô cùng nâng niu tình cảm gia đình, rất thương yêu chiều chuộng vợ con, để bù đắp lại một tuổi thơ mất mát của mình... Nhớ mẹ anh tìm ra biển:

Lời ru trời biển mênh mông
Nghe như tiếng mẹ bay quanh thuở nào

        Nhớ vợ anh cũng tìm ra ra cửa biển Nhật Lệ:

Biết là nhớ cũng bằng không
Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm

        Đó là những lúc mà tâm hồn nhà thơ nhập vào trời biển, tạo nên những câu thơ lay động lòng người.

        Bài thơ "Tôi ra cửa biển" là một trong những bài thơ lục bát hay nhất, điệu nghệ nhất của Hải Kỳ. Bài thơ đã được tuyển chọn vào nhiều tuyển tập thơ. "Em đi góc biển chân trời/ Tôi về nhặt lại những lời bỏ quên"... Người buồn trời đất buồn theo. Những chiếc lá mùa đông, như là những phiến "ưu phiền" đang rụng xuống. Rồi mong "sang xuân" lá tươi xanh, chắc sẽ bớt nhớ! Nhưng nỗi nhớ vợ làm sao nguôi! Nhà thơ phải tìm ra cửa biển để mong tìm được đôi chút hình bóng thân yêu phía chân trời!

Biết là nhớ cũng bằng không
Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm
Tôi rơi vào cuối ngọn nồm
Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi

        Đây là đoạn thơ hay nhất đã đi vào trí nhớ của nhiều người yêu thơ. Đoạn thơ này đã được in trong tập sách "Những câu thơ trong trí nhớ" của nhà thơ quá cố Tô Hà, một nhà thơ ở Hà Nội. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm ở thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chọn hai câu "Biết là nhớ cũng bằng không/ Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm" vào tuyển sách "Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam". Từ hình ảnh thơ đẹp "ngồi trông cánh buồm", Hải Kỳ đã đẩy hình tượng thơ đến siêu thực, ám ảnh:

Tôi rơi vào cuối ngọn nồm
Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi

        Khoảng trống vắng ấy được nhân lên một cấp độ mới:

Nỗi buồn như tấm gương soi
Gặp em không gặp thì tôi gặp mình

        Vâng, đi đến tận cùng của nỗi đau mới hiểu được mình! Nỗi buồn như tấm gương soi vừa là một hình tượng thơ đẹp, vừa là một triết lý tâm linh sâu sắc. Hai câu kết như là khép lại một chuyến viễn du "Tôi ra cửa biển" đi tìm người vợ yêu, mà không gặp, để mở ra một cung bậc mới của cái buồn:

Mùa thu mặc áo gì kia
Còn tôi mặc sợi đầm đìa mưa ngâu

        Đây không phải khép lại, mà chính mùa thu xúc cảm, mùa thu "đầm đìa mưa ngâu" làm cho hình tượng thơ thêm sống động, cảm thức hơn. Bài thơ "Tôi ra cửa biển" là bài thơ tình thấm thía, tôn vinh một nỗi buồn sang trọng, nỗi buồn nhớ vợ của CON NGƯỜI viết hoa!

        Đây không phải lần đầu Hải Kỳ làm thơ tặng vợ. Năm 1983, theo bạn thơ vượt đèo Hải Vân vào thăm Đà Nẵng, anh đã phát hiện ra một tứ thơ hay, vội viết bài thơ tặng vợ: "Bất ngờ câu lý": lý là nói về điệu hát "Lý qua đèo", nhưng mà vợ anh cũng tên là Lý. Vâng, điệu hát cũng chính là tên người, tên cuộc tình đời anh:

        Với tình cảm thủy chung sắt son như thế, nên khi chị đi xa, anh nhớ nhung là phải. Nhưng nỗi nhớ "Tôi ra cửa biển" lần này có hình, có khối, trùng điệp hơn, da diết hơn. Hơn 10 năm nay, người vợ "từ góc biển chân trời ấy" đã trở về với mái ấm gia đình, cùng chồng xây đắp cuộc sống. Anh chị tuy chưa hết nghèo nhưng gia đình đã êm ấm hạnh phúc hơn xưa. Các cháu cũng đã lớn, có công việc làm ăn đàng hoàng. Nhưng khi ai nhắc lại những năm "Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm" ấy, nhà thơ lại ngùi ngùi với kỷ niệm xưa.

(Lời bình của Ngô Minh- báo TTHuế 26/10/2002)

 

 

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn