Cây tam cúc
Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Chị gọi đôi cây!
Trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa chị đến quê emNghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa. Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thìĐứa được
chính chuyền xủng xẻng
Đứa thua
đáo gỡ ngoài thềm
Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ
Đổi xe hồng đưa Chị đến quê emNăm sau giặc giã
Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ
Thả tịnh vàng cưới chị
võng mây trời
Em đứng nhìn theo em gọi đôi
Hoàng Cầm
Nhìn lại lịch sử thơ ca, có lẽ chỉ Hoàng Cầm mới táo gan đến thế, "dám" yêu cả chị! Cái chân lý "tình yêu không có tuổi" tưởng chừng đã quá sáo mòn, trống rỗng lại ứng vào thơ Hoàng Cầm một cách tự nhiên như không thể tự nhiên hơn!
Tôi có cảm tưởng đặt "Lá Diêu bông" cạnh "Cây tam cúc" khó có thể phân định rạch ròi (dẫu tương đối) bài hay, bài không hay bằng. Vẫn chung thuỷ với chủ đề tình yêu dành cho "Chị", nhưng "Cây tam cúc" có giọng điệu khác hẳn "Chị em xanh", "Cỏ bồng thị", "Quả vườn ổi"... là những bài thơ tình đạt đến mức "ngôn chung" của thi sĩ Hoàng Cầm. "Cây tam cúc" có sức lay động bởi vẻ đẹp dung dị của câu chữ và âm hưởng trữ tình ngọt ngào. Nó gần gụi, giản dị, không cầu kỳ, hoa mỹ trong cách diễn đạt mà ăm ắp chất "thơ". Hãy thử hình dung một bức tranh dân gian, có ổ rơm vàng óng thơm tuổi đương thì, có cỗ tam cúc mép cong cong xưa cũ, có cô gái má đỏ nền nã và có nhân vật "Em" mãi nghé cây bài tìm hơi tóc... Nói như một nhà văn, "Cây tam cúc" gợi không gian "trầm đầy một nỗi phương Đông" mê đắm. Nó lấp lánh ánh sáng của một thứ tình yêu trinh nguyên, trong ngần như tình yêu của trẻ thơ và thậm chí, ngay cả các cách biểu lộ tình yêu trong "Cây tam cúc" cũng rất "trẻ thơ"!
Thật ra, "Cây tam cúc" cũng đơn giản thôi. Nào có gì sâu xa ở một thế giới của Em và Chị với những quân bài của trò chơi tam cúc! Nhưng cái thế giới thu nhỏ trong một ổ rơm rút trộm ấy thật trong sáng, ấm áp:
Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa. Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì
Trò chơi tam cúc với Em trở nên mang xiết bao ý nghĩa. Ở dó, tình yêu của Em gửi gắm trong giấc mơ đôi xe hồng:
Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ
Đổi xe hồng đưa chị đến quê em
và cất lên thành lời khẩn cầu "vô lý":
Em đừng lớn nữa. Chị đừng đi
Vẻn vẹn có 7 chữ, không đặc biệt về thủ pháp nghệ thuật nhưng nghe da diết, đau đáu như sự dự cảm mất mát, câu thơ có sức lan toả mãnh liệt. Người đọc bắt gặp thiên hướng vĩnh hằng hoá tình yêu của cái thời "Mười hai tuổi cũ biết gì chị ơi" trong thơ Hoàng Cầm. Muốn thời gian ngưng đọng đi để Em đừng lớn đồng nghĩa với Chị đừng đi, tình yêu của em trở thành biểu tượng thánh thiện, ít nhiều mất đi vết dấu trần tục.
Xưa nay thơ Hoàng Cầm phảng phất hơi hướng cổ điển, không nằm ngoài cảm hứng ấy nhưng "Cây tam cúc" không hẳn xót xa như cách nói mượn tích cổ "Em vọng ai đâu mà hoá đá" trong "Cỏ Bồng thi". Bài thơ có vẻ tươi sáng kỳ lạ. Tình yêu từ những ngày còn cùng Chị chơi tam cúc trở thành trầm tích đặc quánh trong Em, để ngày cưới chị, Em vẫn hình dung chỉ như trò chơi xưa:
Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ
Thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi
Em đứng nhìn theo Em gọi đôi
"Cây tam cúc" không được đặt dấu chấm kép. Cho đến giờ tác giả vẫn phân vân, bỏ lửng câu kết để tuỳ lòng bạn đọc. Nhưng đối với riêng tôi, hình ảnh "Em đứng nhìn theo Em gọi đôi" quả có sức ám ảnh. Câu thơ nặng niềm nuối tiếc một tình yêu như thực như không trên cõi đời. Hiểu như thế, "Cây tam cúc" là bài thơ khát khao hạnh phúc. Em chẳng thể kết xe hồng đón Chị về quê. Em cũng chẳng thể cản tịnh cưới Chị võng mây trôi... Nhưng trong Em còn nguyên vẹn một tình yêu thơ dại cho Chị, phải vậy mà Em mãi gọi đôi?!.
(Nguyễn Huyền- Báo Phụ nữ Việt Nam)
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn