Dặn con

Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn.

Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào.

Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán.

Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này....
Trần Nhuận Minh
(Rút trong tập Nhà thơ và hoa cỏ, NXB Văn học, 1995)

        Dân tộc Việt Nam có truyền thống "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách" đã nghìn năm nay. Bài thơ Dặn con của tác giả Trần Nhuận Minh đã thể hiện sâu sắc truyền thống nhân ái đó.
        Bài thơ có ba nhân vật: Hai nhân vật xác định cha- con và một nhân vật phiếm định: người hành khất. Người cha hẳn là một người từng trải và mang nặng tấm lòng từ bi cứu nạn cứu khổ của Phật tử. Dưới con mắt ông: Chẳng ai muốn làm hành khất/ Tội trời đày ở nhân gian. Những nỗi khổ cực mà con người phải gánh chịu ở đời này đều là món nợ kiếp trước để lại. Theo ông, đối với những người hành khất hay rộng hơn là những người cơ nhỡ, chúng ta không chỉ cần giúp họ về vật chất mà còn phải tôn trọng họ: dù họ hôi hám úa tàn; không được đụng vào những nỗi đau sâu kín nhất của họ: Con không bao giờ được hỏi/ Quê hương họ ở nơi nào; và nhất là phải luôn luôn bảo vệ họ vì họ là người yếm thế nhất: Con chó nhà mình rất hư? Cứ thấy ăn mày là cắn/ Con phải răn dạy nó đi/ Nếu không thì con đem bán.

        Ta tạm chia những người hành khất làm ba loại: loại thứ nhất là những người tàn tật, mất trí từ nhỏ (hành khất suốt đời), loại thứ hai gồm những người gặp lúc mùa màng thất bát hay thất cơ lỡ vận (hành khất tạm thời). Loại thứ ba gồm những người già yếu không nơi nương tựa hay bị tai nạn trong chiến tranh, giao thông xe cộ (hành khất bất đắc chí). Tất cả họ đều đáng thương yêu và cần giúp đỡ. Tuy nhiên, tôi có cảm giác hình ảnh người hành khất trong bài thơ này nghiêng về loại thứ ba.

        Nhân vật con tuy không xuất đầu lộ diện, nhưng ta cảm nhận rõ anh (hay chị) này là một người con chí hiếu, chịu khó nghe hết từng lời răn dạy của người cha và chắc chắn anh (hay chị) đó sẽ làm theo lời cha dặn (chả thế mà nhịp bài thơ trôi chảy nhịp nhàng không vướng mắc ở chỗ nào). Kết thúc bài thơ là một dự cảm bất ngờ của người cha: Mình tạm gọi là no ấm/ Biết đâu cơ trời vần xoay/ Lòng tốt gửi vào thiên hạ/ Biết đâu nuôi bố sau này... Nuôi bố nhưng có lẽ là nuôi con, nuôi cháu, bởi vì bố đã già rồi, thời gian còn lại được bao? Đọc đoạn thơ này, ta như bừng tỉnh bởi không ít lần chúng ta đã vô tình hay hữu ý quên mất nghĩa vụ giúp đỡ những người xung quanh mình, nhất là những người cơ nhỡ. Dù sao, sự bừng tỉnh này cũng chưa muộn, bởi cuộc đời chúng ta còn dài. Biết đâu...

(Lời bình của Lê Quốc Hân- báo Phụ Nữ Việt Nam)

 

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn