Bà về của Trần Hữu Tòng

Bà xa bốn chục năm tròn
Cháu bà vẫn thấy bà còn gần đây
Bà ôm cháu, ngón tay gầy
Bà nhìn cháu, mắt gấp đầy nếp nhăn
Miếng trầu bà gói vuông khăn
Vá vai tấm áo tứ thân nâu sòng
Nhớ ngày gạo chợ, nước sông
Nuôi con, nuôi cháu lưng còng, còng lưng
Cháo rau trưa tối cầm chừng
Sẻ đầy bát cháu mới bưng bát bà
Ai cho tấm bánh đồng quà
Bọc vào chéo áo về nhà cháu ăn
RƠM, CHIẾU CÓI ĐÊM NẰM
Tay ôm ấp cháu lưng ngăn gió lùa
Bà ru câu chuyện ngày xưa
Tống Trân đỗ Trạng võng đưa về làng
Trạng Nguyên che tấm lọng vàng
Mà không quên cảnh cơ hàn... xin ăn...

Bà xa tròn bốn chục năm
Ðêm đêm bà vẫn về chăm cháu bà.

            Câu thành ngữ "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà" phải chăng còn nhằm nói lên sự gần gũi, chở che của mẹ của bà đối với con cháu. Người con nào chẳng có mẹ, người cháu nào chẳng có bà. Mối quan hệ huyết thống này trong gia đình được xem là cảm động nhất, sinh động nhất. May mắn thay ta vừa có mẹ, vừa có bà- những người đã nâng niu, chăm chút ta từ khi ta còn đỏ hỏn. Dù mai sau có lớn đến đâu, trưởng thành đến đâu ta vẫn là đứa con đứa cháu trong ngôi nhà mái rạ đầu thôn.

Bà xa bốn chục năm tròn
Cháu bà vẫn thấy bà còn gần đây

            Có thể người cháu thường thấy bà trong giấc chiêm bao, có thể trong hồi tưởng. Song, hồi tưởng hay chiêm bao thì người cháu cũng thấy bà hiện lên thật rõ nét, thật cụ thể, đúng là bà mình:

Bà ôm cháu, ngón tay gầy
Bà nhìn cháu, mắt gấp đầy nếp nhăn
Miếng trầu bà gói vuông khăn
Vá vai tấm áo tứ thân nâu sòng

            Cảnh bà thương cháu trong vùng quê nghèo càng cảm động làm sao:

Cháo rau trưa tối cầm chừng
Sẻ đầy bát cháu mới bưng bát bà
Ai cho tấm bánh đồng quà
Bọc vào chéo áo về nhà cháu ăn
RƠM, CHIẾU CÓI ĐÊM NẰM
Tay ôm ấp cháu lưng ngăn gió lùa

        Những câu thơ tả thực, trần trụi đến mức không thể thật hơn được nữa. Song ai dám bảo là nôm na? Ai dám bảo là thiếu chất thơ? Ai dám bảo là "quê" nào? Khó mà viết giản dị hơn thế, cũng khó mà viết hay hơn thế. Tác giả- nhà thơ Trần Hữu Tòng, khi viết bài này đã sang tuổi ngũ tuần, thương nhớ bà nội của anh mà làm thơ. Bà mất đã 40 năm anh vẫn thấy bà thân thương gần gũi. Anh làm thơ như làm để tặng bà, làm cho bà đọc. Làm cho bà đọc thì phải viết giản dị như con người bà thế chứ. Có cảm tưởng như anh chẳng phải dày công tìm tòi, sáng tạo, hư cấu gì. Mọi thứ bà làm cho hết. Anh chỉ việc chép lại lời bà nói, ghi lại việc bà làm với cảm xúc thực của người cháu là thành bài thơ hay. Nếu pha chút màu mè, kiểu cách vào đây bà chịu làm sao, viết modern quá bà đọc làm sao? Bà đã từng ru cháu bằng ca dao, kể cháu nghe bao chuyện cổ tích, chuyện nôm khuyết danh- kể cho cháu nghe mà thực ra là răn dạy cháu đấy:

Bà ru câu chuyện ngày xưa
Tống Trân đỗ Trạng võng đưa về làng
Trạng Nguyên che tấm lọng vàng
Mà không quên cảnh cơ hàn.. xin ăn...

        Lời ru tưởng như tình cờ nhưng thật thâm thuý. Bà muốn cháu bà cũng vượt lên được cảnh nghèo đói thi đỗ tam khoa. Nhưng thành danh rồi, thành đạt rồi phải giữ lấy lề, đừng để mất gốc. Con người sao mà có trước có sau, thuỷ chung, nhân nghĩa.

Bà xa tròn bốn chục năm
Ðêm đêm bà vẫn về chăm cháu bà.

        Về chăm cháu chứ không phải về thăm. Cháu bà không còn trẻ nữa. Nhưng đêm đêm bà vẫn về chăm cháu. Thì ra "ngày làm sao đêm chiêm bao làm vậy" khi thức anh luôn nghĩ về bà, khi ngủ anh luôn thấy bà bên cạnh. Thấy bà vẫn chăm chút như thể mình còn ấu thơ. Ôi bà, cả kiếp trước lẫn kiếp sau bà chỉ biết hy sinh vì con vì cháu.

(Vương Thừa Việt- báo Phụ Nữ Việt Nam 2001)

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn