Nào hồn Tinh vệ biết theo chốn nào
Kim Trọng và Vương Quan đã thi đỗ làm quan. Khi Kim và Vương được cải nhậm người ở Nam Bình, kẻ ở Phú Dương; nên cả hai cùng đem gia đình theo. Nhân tiện đường sang Hàng Châu mong dò la tin tức tìm Kiều, thì cả gia đình được tin đích xác là Kiều đã trầm mình tại sông Tiền Ðường. Ðinh ninh Kiều đã chết, nên gia đình lập đàn tràng bên sông làm lễ chiêu hồn:
Chiêu hồn thiết vị
lễ thường
Giải oan lập một đàn tràng bên sông
Ngọn triều non bạc trùng trùng
Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo.
Tình thâm bể thẳm lạ điều
Nào hồn Tinh vệ biết theo chốn nào?
(câu 2967 đến 2972)
Kiều chết oan.
Từ Hải cũng chết oan.
Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến lừa dối, uất ức, căm hờn chết đứng "khí thiêng khi đã về thần". Kiều bị Hồ cưỡng bách, uất ức, căm hờn gieo mình "sông Tiền Ðường đó ấy mồ hồng nhan". Công luận kết án Hồ Tôn Hiến đê tiện, lừa dối giết Từ Hải xong lại bức tử Kiều. Vợ chồng Kiều bị chết oan. Kẻ anh hùng giang hồ mã thượng quật khởi "thắng làm vua thua làm giặc", cô thân, vô gia đình, oan hồn vẫn còn bất hạnh; riêng Kiều dầu sao cũng còn gia đình lập đàn tràng bên sông để giải nỗi oan tình!
"Chiêu hồn" là gọi hồn. Ðối với người chết trên đất có mồ mả thì người ta làm lễ phục hồn, nghĩa là làm cho hồn trở lại nhà để thờ. Ðối với người chết đuối hay trầm mình dưới sông tự tử thì làm lễ chiêu hồn tức gọi hồn trở về, vì hồn bị lạc lõng trên sông.
Ðây khác với cầu hồn. Càng đi sâu vào dị đoan mê tín, cầu hồn là để hồn nhập vào xác một người ngồi đồng nào đó, để kể chuyện gia đình thân nhân cầu về.
Chết oan là bị bức chết, có nghĩa là chưa tới số chết, nên hồn không có chỗ ở, không lên thiên đường được mà cũng không vào địa ngục được hay đi đầu thai được, hồn còn phảng phất, lảng vảng ở không không.
Theo đạo Lão cũng như đạo Phật, đối với những người chết oan như thế, cần lập một đàn lễ để giải nỗi oan cho người chết oan, cho linh hồn được tiêu thăng tịnh độ, tức là cõi thanh tĩnh hư vô của Phật.
Nhìn trên sông, sóng bạc đầu của thuỷ triều trùng trùng xô nhau đuổi bắt hết lớp nọ đến lớp kia, dõi trông xa xa như có bóng hồng (Kiều) gieo mình xuống nước. Rồi vì mối tình thâm ruột thịt, vì nhìn thấy sông nước sâu thẳm mênh mông mà cảm thấy có hồn oan chim Tinh vệ, lẩn quất bảng lảng đâu đây cũng như không biết từ đâu đến, từ đâu về...
Theo cổ tích Trung Hoa, con gái vua Viêm đế đi thuyền trên biển Ðông. Chẳng may gặp cơn bão dữ dội, thuyền bị chìm. Nàng chết đuối. Vì lòng căm thù, uất ức hoá thành chimTinh vệ bay tới bay lui, miệng ngậm đá núi Tây đến biển Ðông, để nhả dá như muốn lấp biển Ðông cho thoả nỗi căm hờn bất tận. Tên chữ gọi là "Tinh Vệ hàm thạch".
Tuồng "Kim Thạch kỳ duyên" của cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, đoạn Giải thị tuẫn tiết theo chồng có câu:
Oan kết theo hồn Tinh Vệ- luỵ rơi hoá huyết Ðỗ quyên.
Minh mông sóng thảm bủa đầu thuyền (còn) lai láng gió sầu xao mặt nước"
Cụ Phan Chu Trinh chết, cụ Phan Bội Châu có câu đối ai điếu:
Thương hải vi điền, Tinh vệ hàm thạch
Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyên
Nghĩa:
Biển thẳm chưa bằng, Tinh vệ còn ngậm đá
Chung Kỳ đã mất, Bá Nha đứt dây đàn.
Căm hờn chế độ thực dân, nước mất nhà tan, chưa san bằng được chế độ thuộc địa, chưa giải phóng được đất nước, nhà cách mạng vẫn kiên trì tranh đấu như chim Tinh vệ ngậm đá quyết lấp cạn biển Ðông để thoả mối căm hờn.
"Chiêu hồn", giải oan đều mượn điển tích "hồn Tinh vệ" chẳng những để chỉ nỗi oan ức. Vì chết oan mà còn chất chứa nỗi căm thù sâu sắc và mãi mãi với kẻ đã gây nên tội ác làm chết oan người.
Có thể tác giả dùng "hư bút" để kết án tên Tổng đốc đểu giả Hồ Tôn Hiến cũng nên.
(Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn