SỐ CÒN NẶNG NGHIỆP MÁ ĐÀO (II)

        Theo quan niệm thông thường khá phổ biến- cũng như mở đầu "Truyện Kiều", tác giả cho rằng: người đẹp thường gặp cảnh gian truân "má hồng phận bạc" hay đấng tạo hoá thường đày đoạ người đẹp "tạo vật đố hồng nhan":

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

        Trong tác phẩm "Chinh phụ ngâm" của Ðặng Trần Côn cũng có câu:

Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân
Du du bỉ thương hề thuỳ tạo nhân

        Nữ sĩ Ðoàn thị Ðiểm diễn nôm:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì đâu gây dựng cho nên nỗi này

        Tại sao người gái đẹp lại thường lâm cảnh khổ đau?

        Vì ngoài định luật của tạo hoá: "Ðược dồi dào về cái này thì phải kém cỏi về cái kia" (phong vu bỉ sắc vu thử) và con người- theo Phật giáo- vì mang phải cái nghiệp.

        Kiều tự tử để chấm dứt cái nghiệp oan khốc ác nghiệt này nhưng không được. Vì nàng còn "nặng nghiệp", vì nàng là gái đẹp "má đào".

        "Nghiệp" dịch nghĩa chữ Phạn "Karma". Theo đạo Phật và đạo Bà la môn nghĩa là việc mình làm khiến cho mình luân hồi mãi. Những sự may rủi, sướng khổ, hạnh phúc hay bạc phúc được hưởng hay phải chịu ở kiếp này là do Nghiệp tạo nên từ kiếp trước. Và những việc mình làm ở kiếp này sẽ tạo nên Nghiệp cho kiếp sau (luân hồi). Thuyết Nghiệp đi đôi với thuyết Nhân quả. "Truyền đăng lục", kinh điển của Phật giáo có nói: "Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị; dục tri là sinh quả, kim sinh tác giả thị" (muốn biết nguyên nhân đời trước ra thế nào, ta cứ xem hưởng thụ của ta ngày nay; muốn biết kết quả đời sau thế nào, ta cứ xem sự việc ta làm ở đời này vậy).

        Theo thuyết "Nghiệp cảm duyên khởi" của Phật giáo tức sự sinh khởi của vạn hữu trong vũ trụ do Nghiệp của con người mà cảm ứng. Do đó, có những từ như: nghiệp báo (sự báo ứng của việc làm lành hay dữ); nghiệp căn (cội rễ sinh ra nghiệp); nghiệp chủng (hột giống sinh ra nghiệp); nghiệp hệ khổ tướng (hình tướng do nghiệp từ tâm vọng động sinh ra); nghiệp thức (cái biết do nghiệp từ tâm vọng động sinh ra); nghiệp duyên (nghiệp và duyên theo nhau để gây thành quả báo)...

Số còn nặng nghiệp má đào
Người đà muốn quyết trời nào đã cho

        Như vậy, cái số kiếp của Kiều- một phụ nữ đẹp- còn phải chịu đựng nhiều gian nan, thì dầu có muốn trốn tránh cái số kiếp đời này bị đày đoạ, trời vẫn không cho trốn, "người đà muốn quyết (cương quyết chết) trời nào đã cho". Cho nên phải sống cho trọn kiếp người yếu đuối (liễu bồ), chừng nào đến sông Tiền Ðường, mới chấm dứt cái "nghiệp má đào".

        Nhưng chấm dứt bằng cách nào?

        Tự tử. Chết là hết. Về sau, Kiều trầm mình tại sông Tiền Ðường. Nhưng Kiều không chết. Nhờ đạo cô Tam Hợp báo trước, nên vãi Giác Duyên tìm cách cứu:

Ðánh tranh chụm nóc thảo đường
Một gian nước biếc mây vàng chia đôi
Thuê năm ngư phủ hai người
Ðóng thuyền chực bến kết chài giăng sông
(câu 2697 đến 2700)

        Chưa chết, như vậy Kiều còn "nặng nghiệp" nữa chăng.

        Không phải thế.

        Chưa chết cũng giũ sạch được nợ đời để chấm dứt nghiệp chướng, nếu con người vẫn giữ được khí tiết, làm những điều ngay lành dầu gặp nhiều gian nan; và cuối cùng sẽ được hưởng thụ điều hạnh phúc như triết thuyết của Nho gia "bĩ cực thái lai". Cũng như đạo cô Tam Hợp khi gặp vãi Giác Duyên than thở cho hoàn cảnh đau khổ của Kiều:

Làm cho sống đoạ thác đày
Ðoạn trường cho hết kiếp này mới thôi
(Câu 2675 và 2676)

        Nhưng rồi:

Sư rằng: "Song chẳng hề chi
Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều
Xét trong tội nghiệp Thuý Kiều
Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm
Lấy tình thâm trả nghĩa thâm
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời
Hại một người cứu muôn người
Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng
Thửa công đức ấy ai bằng
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi
Khi nên trời cũng chiều người
Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau
(câu 2679 đến 2690)

        Và, khi Kiều trầm mình được ngư phủ vớt lên, trong cơn mê, Kiều lại nghe lời của Ðạm Tiên thoang thoảng bên tai:

Tâm thành đã thấu đến trời
Bán mình là hiếu cứu người là nhân
Một niềm vì nước vì dân
Âm công cất một đồng cân đã già
Ðoạn trường sổ rút tên ra
Ðoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau
Còn nhiều hưởng thụ về sau
Duyên xưa tròn trặn phúc sau dồi dào
(câu 2717 đến 2724)

        Như vậy, Kiều đã tự mình chấm dứt "nghiệp má đào". Cho nên đoạn kết "Truyện Kiều" tác giả có câu kết luận:

Ðã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
(câu 3249 đến 3252)

        Chỉ có "Tâm" mới giải quyết được "Nghiệp". Cuối thời kỳ "Tam giáo đồng thịnh", tác giả muốn tổng hợp phê phán chăng?

(Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)

[Kỳ trước][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn