Ðêm đêm Hàn thực
ngày ngày Nguyên tiêu

            Mã Giám Sinh mua Kiều đem về Lâm tri, giao cho mụ Tú Bà ở lầu xanh. Mụ bắt Kiều quỳ lạy trước bàn thờ thần Mày Trắng:

Kiều còn ngơ ngẩn biết gì
Cứ lời lạy xuống mụ thì khấn ngay:
Cửa hàng buôn bán cho may
Ðêm đêm Hàn thực ngày ngày Nguyên tiêu
Muôn nghìn người thấy cũng yêu
Xôn xao oanh yến dập dìu trúc mai
(câu 939 đến 944)

       "Hàn thực" có nghĩa là ăn thức nguội. Sau tiết Ðông chí 105 ngày là tiết Hàn thực, nhằm vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch.

        Ðời Xuân Thu, công tử Trùng Nhĩ là con của Hiến công nước Tấn, tránh loạn triều đình phải lưu vong nhiều nước khác. Trên đường đi có nhiều lúc phải chịu đói khát. Một hôm Trùng Nhĩ không ăn rau cỏ được, người đói lả. Bấy giờ, trong đám tòng vong có Giới Tử Thôi bưng một bát cháo thịt dâng lên. Trùng Nhĩ cả mừng vội ăn ngay, lấy làm ngon lắm. ¡n xong, hỏi:
- Nhà ngươi tìm đâu được thế?
    Thôi thưa:
-
Y LÀ THỊT ĐÙI CỦA TÔI. TÔI NGHE RẰNG KẺ HIẾU TỬ bỏ thân để thờ cha mẹ, bề tôi trung bỏ thân để thờ vua. Nay công tử không có gì ăn, vậy nên tôi phải cắt đùi tôi mà dâng công tử.
    Trùng Nhĩ sa nước mắt, nói:
- Ơn này, biết bao giờ ta đền đáp được.

        Sau Trùng Nhĩ phục quốc, trở về nước lên ngôi là Tấn Văn công, ban thưởng cho những người có công, chia làm ba hạng. Một là những người tòng vong (những người theo đi trốn); hai là những người tống khoản (những người giúp tiền bạc); ba là những người nghinh hàng (những người xin làm nội ứng, đón rước về làm vua). Trong ba hạng này lại tuỳ những người nào có công nhiều hay ít mà phân hơn kém. Ban thưởng công thần xong, lại yết một tờ chiếu ở cửa thành rằng: "Nếu người nào có công lao mà chưa được thưởng thì cho phép tự nói ra"

        Bấy giờ có tên Hồ Thúc nói với Tấn Văn công:
- Tôi theo chúa công từ khi còn ở đất Bồ, cho đến khi lưu vong khắp nước, lúc nào tôi cũng hầu hạ bên cạnh. Nay chúa công thưởng công cho những người tòng vong mà không nghĩ đến tôi, chẳng hay tôi có tội gì?
    Tấn Văn công nói:
- Trong số tòng vong, người nào lấy điều nhân nghĩa mà khuyên ta là công đầu; người nào vì ta mà bàn mưu lập kế là công thứ hai, người nào xông pha tên đạn để giữ gìn cho ta là công thứ ba. Còn những người nào chỉ có công theo hầu khó nhọc mà thôi thì lại ở dưới nữa. Vậy ta thưởng cho ba hạng trên trước rồi sẽ đến nhà ngươi.

        Hồ Thúc lấy làm hổ thẹn. Tấn Văn Công truyền đem vàng lụa trong kho ban thưởng cho tất cả người theo hầu. Trong số bọn tòng vong trước có Nguỵ Thù và Ðiên Hiệt cậy mình võ dõng, thấy Triệu Thôi và Hồ Yển đều là văn thần mà lại được trọng thưởng hơn mình có ý không bằng lòng, thường kêu ca tỏ vẻ bất mãn. Tấn Văn Công biết ý nhưng nể là người có công lao nên bỏ qua.

        Giới Tử Thôi tính tình điềm đạm, thấy nhiều kẻ đổ xô nhau kể công còn so bì công lớn công nhỏ, lấy làm khinh bỉ, không muốn ở lẫn với bọn này. Ðến lúc Tấn Văn Công lên ngôi, Tử Thôi chỉ vào chúc mừng một lần rồi cáo bệnh về nhà, yên phận nghèo nàn, ngày ngày khâu giày mướn nuôi mẹ già. Khi Tấn Văn Công ban thưởng công thần, không có mặt Giới Tử Thôi nên nhà vua quên lửng.

        Có người láng giềng thấy Giới Tử Thôi không được ban thưởng, phải sống tình cảnh như thế nên không bằng lòng. Nhân thấy có chiếu kêu gọi người báo công yết trên cửa thành, nên vội vàng đến nhà Thôi báo tin. Thôi chỉ mỉm cười, không nói gì. Bà mẹ nghe được, bảo:
- Mày khó nhọc trong 19 năm trời, lại cắt thịt đùi làm cháo dâng chúa công ăn, sao bây giờ mày không nói ra để được thưởng? Mong được vài chung thóc, chẳng còn hơn đi khâu giày mướn hay sao?
    Giới Tử Thôi thưa:
- Con của Hiến công cả thảy 9 người, chỉ có chúa công hiền hơn cả. Huệ công và Hoài công không có đức, vậy nên trời truất ngôi mà để cho chúa công. Những người theo hầu không biết ý trời, dám tự nhận là công mình, con nghĩ lấy làm xấu hổ lắm, chẳng thà đi khâu giày mà ăn còn hơn.
    Bà mẹ nói:
- Con làm được người liêm sỉ, còn ta không làm được mẹ của người liêm sỉ hay sao? Vậy mẹ con ta tìm nơi rừng núi mà ẩn thân, chớ nên ở lẫn chỗ thành thị này.

        Thôi rất bằng lòng, liền cùng mẹ vào Miên Thượng, một vùng núi cao rừng sâu, làm nhà trong hang mà ở.

        Người láng giềng liền tìm cách báo đến Tấn  Văn Công.

        Tấn Văn Công bấy giờ mới nhớ ra, hết sức ân hận, cho người đi triệu thì Thôi đã dọn nhà đi mất rồi. Tấn Văn Công truyền người láng giềng của Thôi dẫn đường và đích thân đến Miên Thượng. Ðến nơi, nhà vua để xe dưới chân núi, sai người đi dò tìm khắp nơi, chỉ thấy núi non rừng rậm, nước chảy lá trôi, chim hót véo von, mây che mờ mịt mà bóng Thôi không thấy đâu cả. Tấn Văn Công có ý không bằng lòng, nói với người láng giềng:
- Sao Giới Tử Thôi giận ta quá như vậy? Ta nghe nói Giới Tử Thôi là người con chí hiếu, nếu ta đốt rừng tất Giới Tử Thôi cõng mẹ chạy ra.
        Ðoạn, truyền cho quân phóng lửa đốt rừng. Lửa to gió mạnh làm cháy lan đến mấy dặm, trong ba hôm mới tắt, nhưng không thấy Giới Tử Thôi. Bấy giờ họ đi tìm thì thấy mẹ con Thôi ôm nhau chết cháy bên gốc cây liễu.

        Tấn Văn Công nhìn thấy sa nước mắt, ân hận vô cùng.

        Ngày đốt rừng nhằm tiết Thanh minh mùng 3 tháng 3. Người trong nước cảm thương Giới Tử Thôi vì lửa cháy chết, nên hằng năm đến ngày đó không nỡ đốt lửa, phải làm sẵn thực phẩm để dành ăn, gọi là tiết Hàn thực tức là ăn toàn độ nguội. Vào ngày này, nhà nào cũng cắm một cành liễu ở ngoài cửa nhà để chiêu hồn Giới Tử Thôi. Cũng có nhà bày cỗ bàn (đồ nguội) ra cúng tế.

        "Nguyên tiêu" là đêm đầu năm và có trăng đầu năm tức rằng tháng Giêng. Tục Trung Hoa, nhứt là đời nhà Ðường (618- 907) đêm Nguyên tiêu tại Kinh đô Trường An mở hội Hoa đăng, người người rộn rịp vui chơi suốt đêm. Cách xa Trường An 10 dặm vẫn còn nghe tiếng huyên náo ồn ào vẳng lại.

        "Ðêm đêm Hàn thực ngày ngày Nguyên tiêu" dùng để chỉ sự tấp nập vui vẻ từ đêm nầy sang đêm khác, ngày nầy sang ngày khác, khách làng chơi vào ra ra vào cửa hàng (lầu xanh) của mụ Tú bà. Mụ khấn vái trước thần Bạch Mi phò hộ cửa hàng của mụ được đắt khách như thế.

        Tiết Hàn thực không ăn ban đêm mà ăn vào ban ngày. Ngược lại, Nguyên tiêu không tổ chức các cuộc hội hè lễ bái ban ngày mà vào ban đêm. Lẽ ra phải viết: "Ðêm đêm Nguyên tiêu, ngày ngày Hàn thực" hoặc ngược lại mới đúng. Có thể vì hạn vận, tác giả "Truyện Kiều" phải viết: Ðêm đêm Hàn thực ngày ngày Nguyên tiêu để chỉ sự náo nhiệt, tấp nập ngày và đêm mà thôi.

(Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)

[Kỳ trước][Kỳ sau]

Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn