Ðã nên quốc sắc thiên hương
Ðoạn miêu tả tên Mã Giám Sinh đến gặp Kiều, để mua Kiều về lầu xanh, nhìn sắc đẹp của Kiều, Mã say đắm, toan tính:
Mừng thầm: Cờ đã
đến tay
Càng nhìn vẻ ngọc càng say khúc vàng
Ðã nên quốc sắc thiên hương
Một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa
(câu 823 đến 826)
"Quốc sắc thiên hương" tức sắc nước hương trời
Sắc nước là sắc đẹp nhất nước, hương trời là hương thơm chỉ có trên trời (thế gian không có); ý nói sắc đẹp hiếm có về thể chất lẫn tinh thần. "Quốc sắc thiên hương" trong văn chương cổ điển Trung Hoa chỉ về cái đẹp của hoa Mẫu đơn, lấy hoa Mẫu đơn làm tiêu biểu.
Sách "Tùng song tạp lục" chép:
Vua Ðường Minh Hoàng ngự thưởng hoa Mẫu đơn trong nội điện, hỏi thị thần: thơ vịnh hoa Mẫu đơn của ai hay nhất? Thị thần tâu: có thơ của Lý Chính Phong có câu rằng:
Quốc sắc triều hàm tửu
Thiên hương dạ nhiễm y
Nghĩa là:
Người quốc sắc ban mai hay say rượu (ý nói hoa đỏ)
Mùi thiên hương đêm nhuốm áo khăn (nói về hương thơm)
Mẫu đơn là một thứ hoa thơm, đẹp quý nhất trong các loại hoa, được gọi là Vương hoa. Cho nên có thể cho rằng khi nói "Quốc sắc thiên hương" để chỉ một tuyệt sắc giai nhân với hoa Mẫu đơn.
Lưu Vũ Tích, một thi hào đời nhà Ðường có làm bài "Am tửu khán Mẫu đơn" (Uống rượu xem hoa Mẫu đơn) để diễn tả cái tâm lý tự trị của một người già trước sắc đẹp:
Kim nhật hoa tiền ấm
Cam tâm tuý sổ bôi
Ðàn sầu hoa hữu ngữ
"Bất vị lão nhân khai"
Ngô Tất Tố dịch:
Ngày nay uống rượu
trước hoa
Có say mấy chén cũng là khó coi
Chỉ e hoa biết mỉm cười:
"Nở ra đâu có vì người tuổi cao?"
Nhà Ðường gặp thời suy mạt, vua Cao Tông nhu nhược, đắm say Võ hậu (Võ Tài Nhơn). Vua chết, Võ hậu tiếm quyền, đoạt ngôi lên làm vua, đổi nhà Ðường ra nhà Châu (690- 678), xưng hiệu Tắc Thiên Hoàng đế.
Bà Hoàng đế này rất thông minh nhưng cũng rất ác bạo. Ðể củng cố địa vị, Võ Tắc Thiên thẳng tay triệt hạ phe đối lập. Họ Tiết vốn dòng dõi công thần nhà Ðường đều bị tru di ba họ. Nhưng bà cũng biết thích yêu hoa. Truyện "Kim cổ kỳ quan" có chép:
Một chiều đông lạnh lẽo, Võ Tắc Thiên đến chơi vườn Thượng uyển, thấy cảnh vật quạnh quẽ, liễu đào ủ rũ, liền nổi giận lấy viết đề 4 câu thơ:
Lai triều du Thượng uyển
Hoả tốc báo Xuân tri
Bá hoa liên dạ phát
Mạc đãi hiếu phong xuy
Tạm dịch:
Bái triều du Thượng uyển
Khẩn cấp báo xuân hay
Hoa nở hết đêm nay
Ðừng chờ cơn gió sớm
(Bản dịch của Vô Danh)
Thế là trăm hoa không dám trái lệnh. Chỉ trong một đêm, hoa bừng nở khắp vườn, ngào ngạt mùi hương. Hôm sau, Võ Tắc Thiên dạo vườn, thấy muôn hồng ngàn tía rực rỡ như những vầng mây sắc phủ cả vòm trời xanh nên lấy làm hớn hở vui tươi... nhưng đột nhiên cau mày lại. Vì chỉ có hoa Mẫu đơn bướng bỉnh, không chịu phụng mạng bạo chúa, nên trên cành khẳng khiu, không một lá non.
Cuồng giận kẻ cứng đầu, rồi để trả thù một cách ti tiện, Tắc Thiên giáng chiếu đày hoa Mẫu đơn xuống Giang Nam. Người đương thời có bài "Ngọc lâu xuân tứ", thương hại và tán dương vẻ diễm lệ của những đoá Mẫu đơn phong trần phiêu bạt, bị đày ải khỏi mảnh vườn hoa vương giả đế đô:
Danh hoa sước ước đông phong lý
Chiếm đoạn thiều hoa đô tại thử
Lao tâm nhứt phiến khả nhân lâu
Xuân sắc tam phân sầu vũ tẩy
Ngọc nhân tận nhựt yêm yêm địa
Khước bị sinh ca kinh phá thuỵ
Sạ lâm trang kính tự kiều tu
Cận nhựt thương xuân thâu dữ nhỉ
Phỏng dịch:
Mẫu đơn mơn mởn
cánh hồng
Ðẹp tươi say cả đông phong thuở giờ
Yêu hoa một tấm lòng tơ
Gió mưa xuân đã gầy ba bốn phần
Sớm hôm nét ngọc tần ngần
Sinh ra tỉnh giấc mộng trần bâng khuâng
Dáng Kiều e ấp đài trang
Thương xuân hồ ngã bóng vàng như hoa
(Bản dịch của Trần Thanh Ðạm và Nguyễn Tố Nguyên)
Khẳng khái, Mẫu đơn bị đày. Nhưng đây là một dịp, Mẫu đơn đã tự giải thoát mình ra khỏi vườn hoa ô nhục, đàng điếm của bạo chúa. Tuy dấn thân vào bước phong trần nhưng "dự được phần thanh cao" là đem sắc đẹp và hương thơm cống hiến cho đời.
"Quốc sắc thiên hương", lấy hoa Mẫu đơn làm tiêu biểu
Tác giả "Truyện Kiều" mớm miệng cho Mã Giám Sinh, một tên chuyên mua gái bán dâm đánh giá con người Kiều một cách so sánh bóng bẩy, văn vẻ như thế càng cho ta cảm thấy nỗi đau đớn thấm thía của một kiếp người có sắc đẹp "Quốc sắc thiên hương" như Kiều, mà hắn cho là "cờ đã đến tay"...
Ðoạn nói về Kiều khi ở lầu xanh lần thứ nhất tại Lâm Tri, gặp Thúc Sinh định làm vợ lẽ, nhưng bị Thúc Ông (cha của Thúc Sinh) đến thưa quan sở tại, bắt Kiều đóng gông (mộc già) vừa đánh đòn, có câu:
Dạy rằng cứ phép
gia hình
Ba cây chập lại một cành Mẫu đơn
(câu 1425 và 1426)
"Mẫu đơn" chỉ về Kiều.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều- NXB Ðồng Tháp)
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn