Trao tơ phải lứa gieo cầu đáng nơi
Ðược tin chú mất, Kim Trọng phải về Liêu Dương hộ tang, Kim tìm Kiều để từ giã:
Sự đâu chưa kịp
đôi hồi
Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ
Trăng thề còn đó trơ trơ
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng
(câu 539 đến 542)
Và, khi Kiều phải bán mình, lấy tiền lo lót quan trên để Vương ông- cha của Kiều- thoát khỏi cảnh tội tù bị người vu cáo, Vương ông đau lòng vật vã than khóc:
Nuôi con những ước
về sau
Trao tơ phải lứa gieo cầu đáng nơi
Trời làm chi cực bấy trời
Này ai vu thác cho người hợp tan
(câu 657 đến 660)
"Trao tơ", sách "Thiên bảo dị sử" chép:
Ðời nhà Ðường, Tể tướng Trương Gia Trinh có năm người con gái. Cả năm đều có sắc đẹp, mỗi người một vẻ, nhưng dáng người xấp xỉ ngang nhau. Họ Trương đương kén rể quý.
Có danh sĩ là Quách Nguyên Chấn đến cầu hôn. Trương thấy là bực tài danh nên rất bằng lòng, nhưng không biết phải gả cô nào. Mà cả chàng họ Quách cũng không biết chọn nàng nào. Và, cả năm nàng cũng đồng ý nhưng vẫn thành thực nhường nhau
Cuối cùng, Tể tướng họ Trương nghĩ ra một cách, cho năm người con gái ngồi sau màn, mỗi nàng cầm một sợi tơ màu khác nhau. Năm sợi tơ ấy treo lủng lẳng bên ngoài, không ai nhìn thấy được bóng nàng nào ở bên trong cả. Nếu Nguyên Chấn rút phải sợi tơ nào tất được kết duyên cùng nàng cầm sợi tơ ấy.
Trước năm sợi tơ, Nguyên Chấn ngắm tới ngắm lui liền rút lấy sợi tơ đỏ, nhằm cô gái thứ ba. Nàng đẹp lộng lẫy và đức hạnh có tiếng. Trai tài gái sắc thực là trao tơ phải lứa.
"Trao tơ" danh từ Hán Việt là "khiên tỵ" nghĩa là rút tơ, kéo tơ, chỉ việc gả con lấy chồng. Lời trao tơ ở đây chỉ lời dạm hỏi để người gả con gái cho. Cũng như "gieo cầu" chỉ kén rể, chọn chồng.
Ðời nhà Ðường, khi Võ Hậu tiến quyền lập nên nhà Châu, nước Ðại Huyền
có công chúa Cửu Hoàn, người có sắc đẹp lại có tài văn võ. Vua cha kén
chọn phò mã. Nàng tâu với vua:
- Nhân duyên là do trời định. Vậy xin cha cho người lập một cái đài cao tại
giáo trường, đồng thời thông báo cho các sắc dân trong nước, không phân
biệt giàu nghèo xấu đẹp đều phải đến dự để tuyển lấy Phò mã. Riêng con
có thêu một quả tú cầu. Ngày ấy, con sẽ khấn vái trời đất rồi lên lầu mà
quăng quả tú cầu ấy xuống giữa đám đông. Nếu ai lượm được quả tú cầu
thì con sẽ bằng lòng kết duyên người đó.
Nhà vua cưng con, nghe cũng hữu lý nên bằng lòng.
Ðược tin nhà vua tuyển chọn Phò mã bằng cách gieo cầu, các chàng trai trẻ xa gần không phân biệt địa vị, giai cấp, đều tài năng nô nức, tấp nập đổ đến trước đài. Họ hồi hộp, mong ngóng, đón chờ... Có người còn khấn vái trời đất tổ tiên phò hộ. Có chàng Tiết Cường, dòng công thần họ Tiết, con thứ tư của Tiết Ðinh San, vì bị nạn tru di ba họ dưới triều Châu Tắc Thiên Hoàng đế (tức Võ Hậu) nên trốn chạy đến đây. Chàng mỹ mạo tuấn tú, võ nghệ siêu quần, thấy người đông đảo nên tò mò đứng xem.
Ðến giờ lành được quan Khâm thiên giám chọn, Công chúa lên đài, quỳ trước bàn hương án khấn vái, đoạn đứng lên cầm quả tú cầu quăng lên không trung. Quả cầu nhào lộn trên không mấy vòng rồi sa trước mặt Tiết Cường. Mọi người đổ đến, tranh lấn nhau chụp làm té lăn sóng soài trên đất. Tiết Cường đưa tay bắt lấy tú cầu giữ chặt trong tay. Mọi người ào đến giựt lại. Tiết Cường mạnh tay gạt phăng ra, khiến họ té nhào đùn cục.
Ðoàn cấm binh đến can thiệp, xin rước Phò mã. Thấy Tiết Cường mỹ mạo tuấn
tú, chúng nức nở khen:
- Thật là trời khéo xui, xứng vợ xứng chồng hết sức!
Thế là ngay ngày
hôm ấy, nhà vua truyền cho Công chúa cùng Tiết Cường làm lễ thành hôn
"Trao tơ,
gieo cầu" đều có ý nghĩa chỉ duyên chồng vợ.
"Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ", lời trao tơ là lời dạm hỏi. Vì tình duyên giữa Kim Trọng và Kiều chưa kịp chính thức hoá bằng mối manh dạm hỏi để thành duyên chồng vợ, nhưng rồi thình lình chàng mắc có tang trong khi lễ giáo, tập quán đã định khi có tang không được cưới hỏi.
"Trao tơ phải lứa gieo cầu đáng nơi", Vương ông tỏ ý buồn phiền chua xót. Vì theo lẽ gả cho người xứng đôi vừa lứa, nhưng khốn nỗi, gả cho tên Mã Giám Sinh, một tên đã hơn bốn mươi tuổi (quá niên trạc ngoại tứ tuần) thì còn đâu phải xứng lứa vừa đôi với Kiều. Và họ Mã cũng không phải là người chồng xứng đáng với Kiều, cũng như có phải "đáng nơi" để cho Kiều "gieo cầu" đâu.
Ðây là một nỗi đau đớn của Vương ông, một người cha đối với con gái. Cũng như nỗi chua xót của Kim Trọng, thình lình gặp phải lễ nghi tang chế mà không tiến hành được cuộc hôn nhân đối với người yêu.
(theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn