Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi, Trương
Kiều vẫn dùng lời đoan chính khuyên Kim Trọng, có câu:
Ngẫm duyên kỳ ngộ
xưa nay
Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi, Trương
Mây mưa đánh đổ đá vàng
Quá chiều nên đã chán chường yến oanh
Trong khi chắp cánh liền cành
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên
Mái Tây để lạnh hương nguyên
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng
Gieo thoi trước chẳng giữ giàng
Ðế sau nên thẹn cùng chàng bởi ai?
Vội chi ép liễu hoa nài
Còn thân ắt lại đền bồi có khi
(Câu 511 đến 522)
Lý luận đanh thép nhưng vẫn chan chứa tình cảm trước lập luận dẫn chứng "Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi, Trương"
"Thôi, Trương" tức là nàng Thôi Oanh Oanh và chàng Trương Cung tức Trương Quân Thuỵ
"Tây sương ký" (Mái Tây) của Vương Thạch Phủ đời nhà Nguyên có chép:
Ðời Trinh nguyên (785- 805) có chàng Trương Cung tự Quân Thuỵ, người mỹ mạo tuấn tú, tính tình nho nhã. Một hôm sang chơi đất Bồ vào trọ chùa Phổ Cứu. Trong khi đó có người vợ goá họ Thôi sắp về Trường An (kinh đô nhà Ðường), đường đi qua đất Bồ, cũng vào trọ ở đây. Bà vợ của họ Thôi là họ Trịnh, Trương Cung là cháu ngoại họ Trịnh. Kể họ thì bà là dì họ của Trương.
Năm ấy, tướng Hồn Hàm mất tại đất Bồ, viên hoạn quan Ðinh văn Nhã thay thế, không đủ tài điều khiển, nên quân sĩ quấy nhiễu, cướp phá dân chúng. Nhà họ Thôi của cải rất nhiều, tôi tớ cũng lắm, nay ở chốn quê người, không biết nương tựa ai, lấy làm lo sợ. May mắn, Trương Cung nguyên trước có quen thân với tướng ở Bồ, liền xin nhờ bảo hộ. Nhờ đó, gia đình họ Thôi mới thoát nạn. Nửa tháng sau, nhà vua sai người đem cờ thống nhung ra lệnh nghiêm cho quân lính, bấy giờ cuộc loạn mới yên.
Bà họ Trịnh cám ơn Trương lắm, bày tiệc nhà trên đãi Trương, nói:
- Dì chẳng may goá bụa, phải đùm bọc lũ con côi, rủi gặp lúc hỗn quân hỗn
quan chắc gì giữ được thân mạng. Hai đứa con thơ yếu của dì sống được
là nhờ cháu, ơn này đâu phải tầm thường. Nay xin cho chúng nó ra chào anh
để biết mặt, mong có ngày đền báo.
Bà liền cho gọi
đứa con trai là Hoan Lang, tuổi mới lên mười ra chào, mặt mày thuỳ mị. Kế
gọi người con gái tên Oanh Oanh, tuổi lên 17 ra chào. Nàng lấy cớ trong mình
không mạnh, từ chối. Bà mẹ nổi giận, bảo:
- Anh Trương mày cứu được mạng mày. Không có anh, giặc nó lôi mày rồi.
Còn gì mà giữ kẽ nữa.
Bấy giờ nàng Thôi
mới chịu ra. Nàng trang phục tầm thường, vẻ mặt bơ phờ, không trang điểm gì
cả. Mái tóc lơi, đôi mày nhạt, chỉ đôi má ửng hồng. Thế mà nhan sắc đẹp
lạ, vẻ lộng lẫy choáng người. Trương giật mình đáp lễ, rồi dần dà đưa
lời khơi chuyện, nhưng nàng vẫn không đáp, im lặng mãi đến tan tiệc mà
thôi.
Từ đó, Trương say đắm nàng, muốn bày tỏ tâm tình nhưng không biết làm
thế nào được. Nhân có con hầu thân tín của Thôi Oanh Oanh là cô Hồng,
Trương lén ngỏ ý mình, nhờ cô đưa tin. Hồng bảo:
- Lời cậu nói, con chẳng dám nói mà cũng không dám để lộ. Vả, dòng họ
Thôi thì cậu đã rõ. Sao không nhân chuyện có ơn mà nhờ người mối mai?
Trương thở dài:
- Tôi từ tấm bé, không ưa thích chuyện trai gái. Có khi ngồi bên bạn lượt
là cũng chẳng để ý nhìn ai. Không ngờ nay lại có người làm say mê lòng
mình, đến đỗi suốt mấy hôm, không còn tha thiết đến ăn đến ngủ, sợ ngày
một ngày hai là không sống được nữa. Nếu nhờ người mai mối, nào hỏi nào
cưới ít ra cũng vài ba tháng một năm, bấy giờ tôi chết đã xanh đám cỏ!
Hồng nghe cảm động, bày Trương viết ít thơ tình sẽ trao cho Thôi. Trương cả mừng, nghĩ ngay hai bài thơ xuân nhờ Hồng làm cánh chim xanh trao cho người đẹp. Chiều hôm ấy, Trương được Hồng cầm một tờ hoa tiên đưa đến bảo là của nàng Thôi. Mở ra xem thấy có bài thơ 4 câu, đầu đề là "Trăng sáng đêm rằm":
Cửa hé theo luồng gió
Trăng chờ dưới Mái Tây
Chạm tường hoa động bóng
Người ngọc đến đâu đây
Trương hơi hiểu ý thơ.
Tường phía đông chỗ ở của họ Thôi có gốc cây hạnh, Trương nhân trèo lên
bước qua tường, lần đến mái phía Tây thì thấy cửa hé mở. Hồng đưa Thôi
Oanh Oanh đến. Nàng y phục chỉnh tề, vẻ mặt nghiêm nghị, đanh thép bảo:
- Anh cứu sống nhà tôi, ơn ấy to lắm, nên mẹ tôi mới đem trai thơ gái dại
mà uỷ thác cho anh. Nhưng sao anh lại nhờ đứa hầu những lời nhảm nhí? Ban
đầu thì lấy việc cứu người làm tốt, rốt lại nhân việc người ta khỏi nạn
mà đòi hỏi chuyện nọ kia... Lấy loạn thay loạn, anh có hơn bọn giặc là mấy.
Muốn nhờ con hầu chuyển lời thì sợ không nói gì hết chân tình, nên tạm
mảnh hoa tiên tìm lời bày tỏ. Nhưng ngại anh sinh lòng khó dễ nên phải dùng
lời lẳng lơ để anh thế nào cũng sang. Việc làm trái lễ sao khỏi thẹn lòng.
Chỉ xin anh lấy lễ giữ mình, chớ nhúng mình vào chuyện không đẹp.
Nói xong, nàng ngoe nguẩy đi vào.
Trương ngồi ngẩn người, một lúc vượt tường trở ra, lấy làm tuyệt vọng!
Vài hôm sau, Trương đương ngủ ngoài hiên, chợt có người đánh thức. Chàng giật mình ngồi dậy thì thấy Hồng bảo: có cô Thôi đến. Trương bàng hoàng, tưởng mình chiêm bao nhưng vẫn thành tâm chờ đợi. Một lúc Hồng đưa Thôi Oanh Oanh đến. Nàng e thẹn, ngượng ngùng, nũng nịu... Không có vẻ nghiêm khắc như trước. Trương phơi phới lòng xuân, tưởng như mình được làm bạn với tiên, nhân gian đâu có con người như thế.
Chuông chùa đổ, trời sắp sáng, Hồng đến giục nàng Thôi về. Nàng rấm rứt khóc, suốt đêm không nói lời nào. Sáng dậy, Trương nửa tin nửa ngờ, cho là chiêm bao chăng? Nhưng sáng rõ ra thấy cánh tay mình còn vấy chút phấn son, áo còn phảng phất mùi hương, mấy giọt nước mắt của nàng còn đọng trên gối .....
Từ đó, cả hai hẹn gặp nhau âu yếm tại mái Tây, thời gian có trót tháng, Trương tối lén vào, sáng lén ra.
Nhưng rồi mộng công hầu, Trương từ giã lên Trường An ứng thí. Thế là có cuộc chia ly. Và, cuộc chia ly nào lại chẳng não lòng đối với đôi bạn tình trai gái. Nhưng Trương đi vẫn không một lời hứa hẹn gì. Buổi tiễn đưa Trương, Thôi có đọc mấy câu thơ:
Rẻ rúng thôi đành phận
Van lơn nhớ buổi đầu
Xin đem lòng lúc trước
Thương lấy kẻ về sau
Năm sau Trương thi không đỗ, ở lại kinh đô, viết thư về an ủi Thôi Oanh Oanh. Thôi có thư phúc đáp. Thư khá dài bày tỏ lòng ân hận chua xót của nàng.
Sau đó, Trương Quân Thuỵ lấy vợ. Thôi Oanh Oanh lấy chồng. Duyên tình Thôi, Trương bẽ bàng như thế, vì Trương đã "mây mưa đánh đổ đá vàng" mà nàng Thôi lại "quá chiều nên đã chán chường yến oanh", dẫn đến hậu quả "để duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng"
Dẫn điển tích "Thôi, Trương" Kiều lại cũng dẫn điển tích để nhấn mạnh thêm ý trên theo thế tương phản:
Gieo thoi trước
chẳng giữ giàng
Ðể sau nên thẹn cùng chàng bởi ai?
"Gieo thoi" là cầm cái thoi diệt cửi ném. "Tấm thư" là chép người tên Tạ Côn tỏ vẻ bỡn cợt, trêu ghẹo một cô gái láng giềng. Cô đương ngồi dệt cửi nổi giận, cầm cái thoi ném vào mặt Tạ Côn làm gãy hai cái răng cửa. "Gieo thoa" nguyên ngữ là "Ðầu thoa chi cự" nghĩa là gieo thoi để cự tuyệt, tức là chống cự một cách quyết liệt đối với người con trai lả lơi, trây trưa. Không kháng cự quyết liệt để giữ gìn mình đối với chàng trai nào- kể cả ý trung nhân- tất bị người khinh là người con gái không trinh thục, đoan chính.
"Thẹn cùng chàng", tuy Kiều nói mình sẽ bị hổ thẹn, nhưng cũng gián tiếp nói Kim Trọng cũng bị hổ thẹn. Mà bị hổ thẹn này "bởi ai"? Bởi Kiều hay bởi Kim Trọng hay bởi cả hai. Nhưng chắc chắn ý Kiều muốn nói là bởi Kim Trọng, đổ lỗi cho anh chàng này. Mà sự thực là chàng có lỗi. Như vậy biết lỗi thì phải chừa. Dùng hai tiếng "bởi ai" ở cuối câu rất khéo, dùng thế tấn công quyết liệt nhưng hết sức đậm đà, thú vị... Cho nên chàng Kim phải chịu bó tay quy hàng:
Thấy lời đoan chính
dễ nghe
Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân
(câu 523 và 524)
Gặp phải một gái đẹp như thế, một tay có bản lĩnh như thế thì không thêm nể, thêm vì hoàn toàn sao được. Kiều dám mở cuộc chiến vẻ vang có nhiều thử thách, tất Kiều phải biết vượt qua để kết thúc cuộc chiến cũng phải vẻ vang
Giá phỏng ở hoàn cảnh này, Kiều chiều theo ý muốn của Kim Trọng diễn lại cảnh "Thôi, Trương" Mái tây thì sau khi Kim Trọng về Liêu Dương hộ tang chú, rồi trở lại vườn Thuý tìm lại Kiều, biết Kiều đã bán mình rồi thì chàng Kim đâu phải quá nặng tình đau đớn, vừa mến vừa tiếc đến nỗi
Thẫn thờ lúc tỉnh
lúc mê
Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao!
(câu 2835 và 2836)
Vừa giáo dục đạo lý, vừa giáo dục tâm lý ái tình giữa trai gái tiếp xúc nhau để dẫn đến một sự việc cụ thể: Kim Trọng phải theo đuổi mãi đến 15 năm sau mới:
Ba sinh đã phỉ
mười nguyền
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy
Phải chăng tác giả Truyện Kiều khéo sắp xếp.
(Theo Ðiển tích
Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)
Chuyên mục này được cập nhật vào thứ Tư hàng tuần
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn