dientich.gif (11346 bytes)

   

HÀN Thực.

            Mỗi năm, cứ đến ngày mồng ba tháng ba âm lịch, mọi nhà làm bánh trôi, bánh chay đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Ðó là Tết "Hàn thực" hay "Tết ăn nguội".

            Ngày xưa ở Trung quốc, đời nhà Tấn, có một người tên là Giới Tử Thôi; ông là một người trung thực, có khí tiết, rất tận tuỵ với Thái tử (sau này lên ngôi Vua gọi là Tấn Văn Công). Thời trẻ, Thái tử bị vua cha ghét bỏ, chàng phải chạy trốn ra nước ngoài cùng với mấy người tôi trung thành. Ðoàn người lưu vong đi lang thang từ nước này qua nước khác, nhiều khi phải ở lại trong rừng hay trên núi, hái rau ăn trừ bữa. Có lần Thái tử ốm, không ăn được rau rừng nấu với muối và nước suối. Thái tử sốt, nuốt không trôi bát cơm chan nước canh nhạt thếch. Giới Tử Thôi lo lắng, sợ Thái tử không ăn sẽ khó qua khỏi, CHÀNG CẮT MỘT MIẾNG THỊT Ở ĐÙI MÌNH, NẤU VỚI RAU CHO THÁI TỬ ĂN. ÍT HÔM SAU, KHI ĐÃ KHỎI BỆNH, THÁI TỬ MỚI BIẾT CHUYỆN này. Thái tử khóc và bảo Giới Tử Thôi: "Ơn sâu nặng, biết đến bao giờ ta trả được".

            Sau 20 năm khổ ải, Thái tử trở về nước và lên ngôi Vua. Vua Tấn Văn Công không quên ơn biết bao người đã giúp ông trong 20 năm hoạn nạn, người thì phò Thái tử, người thì giúp cơm ăn hay tiền của, người thì hợp sức đánh bại những kẻ thù để ông có được ngày hôm nay. Vua ban thưởng cho tất cả những ai đã giúp đỡ ông, dù chỉ là chút ít. Giới Tử Thôi cùng Vua trở về kinh đô, chàng tiếp tục làm nghề khâu giày để nuôi mẹ. Mẹ chàng đã già yếu lắm rồi và chẳng còn đi đứng được một mình. Vua trả ơn các công thần đầy đủ cả, riêng Giới Tử Thôi thì Vua quên mất, chẳng hỏi han, chẳng ban thưởng. Giới Tử Thôi tủi phận, cõng mẹ sang một xứ sở xa xôi, rồi vào rừng ở. Một ông cụ hàng xóm thấy vậy, dâng một bức thư lên Vua Tấn, kể chuyện Giới Tử Thôi. Vua giật mình cho người mời Giới Tử Thôi vào triều. Nhưng không ai biết chàng đã đi đâu. Vua cho một đoàn người đi tìm. Ðến một xứ sở xa xôi, có người nói trông thấy một người đàn ông mặt mày nhem nhuốc cõng mẹ vào khu rừng bên cạnh. Ðược tin, Vua mừng rỡ, vội đi xe ngựa đến nơi, phái nhiều người đi khắp ngả vào rừng tìm. Bốn năm hôm, chẳng thấy tăm hơi mẹ con Giới Tử Thôi. Vua nghĩ bụng: "Giới Tử Thôi là người con chí hiếu, ta cho đốt rừng, ắt chàng phải cõng mẹ chạy ra". Nghĩ vậy, ông liền hạ lệnh phóng lửa đốt rừng. Ngọn lửa bốc cháy ngùn ngụt, lan từ khu rừng này sang khu rừng khác, ba ngày ba đêm mới tắt. Khi lửa tắt, mọi người vào rừng đã cháy trụi thì thấy một đống xương người, hai bộ xương cháy đen, bên một gốc liễu đã cháy thành than. Vua Tấn Văn Công ôm mặt khóc. Ông truyền lệnh xây miếu thờ hai mẹ con Giới Tử Thôi. Ngày đốt rừng là ngày mồng ba tháng ba. Dân chúng được tin về cái chết của Giới Tử Thôi vô cùng thương xót. Và từ năm ấy, đến ngày mồng ba tháng ba ở Trung quốc ngày xưa, người ta không đốt lửa, bởi vì lửa gợi nhớ đến cái chết bi thảm của Giới Tử Thôi. Ngày ấy, người ta ăn nguội, gọi là "hàn thực", và mỗi nhà cắm một cành liễu để chiêu hồn người chết oan. Ngày mồng ba tháng ba sau này trở thành một ngày Tết tưng bừng, ít ai nhớ đến bi kịch Giới Tử Thôi.

            Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều:

Cửa hàng buôn bán cho may
Ðêm đêm Hàn thực ngày ngày Nguyên tiêu

            Ðó là lời khấn thần Mày trắng của Tú Bà: Mụ mong lầu xanh của mụ đêm ngày tấp nập khách làng chơi, vui như hai ngày hội Hàn thực và Nguyên tiêu.

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

 


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn