dientich.gif (11346 bytes)

Hoạn Thư

            Trong ngôn ngữ Việt Nam, "Hoạn Thư" là biểu tượng của cái ghen khủng khiếp. Nguyễn Du trong Truyện Kiều viết về cái ghen của Hoạn Thư: "Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen".

            Hoạn Thư thuộc một "dòng họ danh giá", lấy Thúc Sinh, một thanh niên, theo cha làm quan ở phủ Lâm Tri, mở một ngôi hàng; Thúc Sinh ăn chơi "bốc trời". Nghe tiếng nàng Kiều tài hoa và nhan sắc tuyệt trần, chàng tìm đến lầu xanh của Tú Bà. Gặp nàng, Thúc Sinh "một tỉnh, mười mê", quyết gắn bó với nàng. Thuý Kiều lo sợ cho kiếp lẽ mọn "trước hàm sư tử", song cũng phải liều mình nhận lời để thoát khỏi nơi lầu xanh nhơ nhớp. Thúc Sinh nhân khi cha về quê, vắng nhà, tìm cách chuộc Kiều khỏi tay Tú Bà. Hai người yêu nhau thắm thiết được nửa năm thì Thúc ông trở về. Biết tin con trai lấy Kiều, "hoa thải hương thừa", ông đùng đùng nổi giận. Khi biết nàng là con gái lỡ bước, lại tài hoa ("Tài này, sắc ấy, nghìn vàng chưa cân") ông vui vẻ nhận nàng làm dâu trong nhà và quý mến nàng. Song, Thuý Kiều luôn luôn lo sợ cho thân phận lẽ mọn của mình; nàng khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư và thú thật cùng nàng. Thúc Sinh về, nhưng không dám hé răng nói thật. Còn Hoạn Thư, nàng đã biết tất cả mọi chuyện, nhưng vốn là kẻ "khôn ngoan hết mực", nàng giữ mọi việc "kín mít như bưng"; trước Thúc Sinh thì nói cười như không, nhưng nàng cùng với mẹ là Hoạn bà mưu tính một sự báo thù nham hiểm:

"Làm cho nhìn chẳng được nhau
Làm cho đầy đoạ cất đầu chẳng lên.."

            Trước tiên, là bắt cóc Kiều. Trong khi Thúc Sinh trở lại Lâm Tri bằng đường bộ, Hoạn Thư sai một bầy Khuyển, Ưng đi đường sông, nhanh hơn, đến nhà Kiều đốt nhà, đổ thuốc mê, bắt cóc Kiều, mang về nhà Hoạn bà, và vứt một cái xác vô chủ nhặt bên sông vào đám cháy. Kẻ ăn người làm và mọi người bên nhà Thúc ông chạy sang, dập tắt đám cháy, thấy một xác người đen thui; ai ai cũng đinh ninh đó là xác nàng Kiều, bị thiêu cháy. Mọi người khóc lóc, thương xót "con người nết na". Thúc Sinh về đến nhà, tưởng người yêu đã chết, vật vã khóc than "con người thế ấy, thác oan thế này". Thuý Kiều bị bọn Khuyển, Ưng đưa về nhà Hoạn Bà, bà quan độc ác này sai người ở đánh nàng một trận TƠI BỜI RỒI BẮT NÀNG LÀM THỊ TỲ, TÊN GỌI HOA NÔ. ÍT lâu sau, nàng được đưa về nhà Hoạn Thư làm con hầu. Một năm sau, Thúc Sinh nhớ quê, về thăm nhà, Hoạn Thư niềm nỡ đón tiếp và mở tiệc mừng chàng. Nàng gọi Thuý Kiều ra hầu rượu. Lạ lùng thay, ngước mắt nhìn lên, nàng Kiều thấy Thúc Sinh, nàng hiểu ngay con người nham hiểm, lập mưu bắt nàng làm con ở, phải quỳ lạy và hầu rượu Thúc Sinh "Rõ ràng thật lứa đôi ta, làm ra con ở chúa nhà đôi nơi".... Còn Thúc Sinh, chàng thấy Hoa Nô, chính là Thuý Kiều, thì "phách lạc, hồn xiêu"; song vốn là chàng trai nhát gan, chàng chỉ biết khóc "giọt dài, giọt ngắn" và "như dại như ngây". Hoạn Thư bắt Kiều đánh đàn cho Thúc Sinh nghe. Tiếng đàn của Kiều "như khóc như than". Nghe đàn, Thúc Sinh lại sa nước mắt. Ðêm đã khuya, Hoạn Thư và Thúc Sinh về phòng loan, còn Thúy Kiều thui thủi về với ngọn đèn cô độc.

            Cuộc sống như vậy giữa ba người chẳng ổn. Hoạn Thư biết vậy, cho nàng Kiều ra Quan Âm các trong vườn nhà giữ chùa, đi tu. Thuý Kiều đổi tên Trạc Tuyền, mặc nâu sòng, sớm khuya đèn hương niệm Phật. Một hôm, nhân Hoạn Thư nói về thăm mẹ, vắng nhà, Thúc Sinh vội lẻn ra vườn gặp Kiều. Hai người yêu đang than khóc thì chợt Hoạn Thư bước tới bắt quả tang. Thúc Sinh hoảng sợ tìm cách chối quanh. Hoạn Thư cười cười nói nói như không. Thuý Kiều đau đớn nghĩ rằng nếu nàng ở mãi nơi miệng hùm nọc rắn này, thì có ngày nguy hiểm. Nàng liều bỏ trốn đi. Một đêm, nàng "cất mình qua ngọn tường hoa, lần đường theo ánh trăng tà về tây".

            Ðến đây, chấm dứt một quãng đời tủi nhục của Thúy Kiều, bị Hoạn Thư hành hạ đủ điều. "Hoạn Thư" đồng nghĩa với ghen tuông. Hoạn Thư ghen sục ghen sôi trong lòng nhưng "bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao"; nàng dùng "những chước lạ đời", "tinh ma" để ám hại nàng Kiều, khiến Kiều thông minh nhường ấy cũng phải hãi kinh "Người đâu sâu sắc nước đời", "ấy mới gan, ấy mới tài", "đàn bà thế ấy, thấy âu một người". Hoạn Thư là một chân dung hết sức sắc sảo của thiên tài Nguyễn Du

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

 


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn